THCL Năm 2015, kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định diễn ra trong bối cảnh có nhiều yếu tố tích cực như kinh tế vĩ mô được ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, lạm phát ở mức thấp, giá xăng dầu giảm... đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều ngành, lĩnh vực phát triển.
Những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực
Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt so với kế hoạch của Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 - do HĐND tỉnh Bình Định Khóa XI, Kỳ họp thứ 10 đã đề ra như: Tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chỉ số sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu...
Đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tiếp tục được tăng cường, đầu tư vào các công trình trọng điểm từ nguồn vốn ngân sách nhà nước được quan tâm đúng mức, cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngày càng hiện đại hơn. Chương trình xây dựng nông thôn mới được chú trọng đầu tư, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đã góp phần quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Thu nhập bình quân nhân khẩu năm sau cao hơn năm trước, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao.
Mặt khác, hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2015 của các ngành, lĩnh vực đạt được những kết quả khả quan - đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu, tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội nhiệm kỳ 2011 - 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XVIII đã đề ra, tạo khí thế và đà thuận lợi trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ 2016 - 2020.
Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2015 (theo giá so sánh 1994) ước đạt 14.544,5 tỷ đồng, tăng trưởng 9,51% so cùng kỳ, vượt 0,01% so với kế hoạch (kế hoạch tăng trưởng GRDP năm 2015 là 9,5%). Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,32%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 11,53% (riêng công nghiệp tăng 10,18%); khu vực dịch vụ tăng 11,85%.
Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 4.130,2 tỷ đồng, tăng 4,32%. Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản năm 2015 có tốc độ tăng trưởng thấp hơn 2,74% so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ (năm 2014, giá trị gia tăng khu vực nông lâm thủy sản tăng 7,06%), chủ yếu do tác động suy giảm từ ngành trồng trọt: giá trị sản xuất ngành trồng trọt giảm 0,6% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng một số cây trồng giảm mạnh so với năm trước như sản lượng mía giảm 43,7%, sản lượng dưa hấu giảm 19,6%, sản lượng điều giảm 7,3%...
Hoạt động chăn nuôi được duy trì ổn định và phát triển tích cực. Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được tăng cường, giá sản phẩm chăn nuôi ổn định ở mức cao bảo đảm người chăn nuôi có lãi. Tổng đàn gia súc tại thời điểm 1/10/2015 tăng trưởng khá so cùng kỳ. Trong đó, đàn bò tăng 5,4%, đàn lợn tăng 5,5%.
Hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản được quan tâm đầu tư, có nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân, theo đó, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản năm 2015 tăng 6,2% so với năm trước, đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế địa phương.
Khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 4.450,5 tỷ đồng, tăng 11,53% so cùng kỳ, riêng ngành công nghiệp tăng 10,18%.
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm 2015 đã từng bước khôi phục và có mức tăng trưởng cao hơn năm trước 0,97% (năm 2014, giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng 9,21%) do tác động chủ yếu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao (94,7%) trong sản xuất công nghiệp của tỉnh. Trong đó, có sự đóng góp đáng kể của một số sản phẩm chủ yếu của tỉnh, như: Sản lượng đường tăng 15,72%; các loại sản phẩm may mặc tăng thấp nhất 14,48% và tăng cao nhất xấp xỉ 30%; dung dịch đạm huyết thanh tăng 27,47%; thức ăn chăn nuôi tăng 47,59%; bàn bằng gỗ tăng 6,39%; đồ nội thất bằng gỗ khác tăng 15,02%...
Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2015 tăng 12,2% so với năm trước cũng đã góp phần đáng kể vào giá trị gia tăng của khu vực công nghiệp và xây dựng (vốn xây dựng cơ bản chiếm đến 74,3% trong tổng mức đầu tư phát triển).
Khu vực dịch vụ ước đạt 5.963,8 tỷ đồng, tăng 11,85% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng năm trước là 1,84% (năm 2014, giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng 10,01%).
Khu vực dịch vụ tiếp tục có đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực dịch vụ có mức tăng khá như bán buôn và bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giao thông vận tải, tài chính -ngân hàng...
Trong năm 2015, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô có tác động tích cực đến tăng trưởng đối với khu vực dịch vụ như tỷ lệ lạm phát ở mức thấp, lãi suất ngân hàng hợp lý, dư nợ tín dụng tăng cao (14,81%) so cùng kỳ, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa có nhiều thuận lợi...
Thu hút vốn đầu tư "được mùa bội thu"
Có thể khẳng định rằng, 2015 là năm thành công nhất về công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh Bình Định. Có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến Bình Định tìm kiếm cơ hội đầu tư như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...
Đáng chú ý, tỉnh Bình Định đã thu hút các tập đoàn lớn như Vingroup, FLC Group, SembCorp, Becamex Bình Dương, Hùng Vương, Việt Úc, Tôn Hoa Sen... và các tập đoàn này đã xúc tiến đầu tư rất mạnh mẽ. Điển hình là Dự án Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quy Nhơn, Dự án Khu Du lịch VinPearl Quy Nhơn, Dự án Khu phức hợp Công nghiệp - Đô thị - Thương mại và Dịch vụ tại Bình Định... với nguồn vốn đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Với bối cảnh môi trường đầu tư quốc tế diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn; tuy nhiên, trước những thách thức đó, có thể nói, 2015 được coi là năm "được mùa" trong việc kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư tại Bình Định, thể hiện rõ quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh Bình Định trong việc thay đổi hoàn toàn diện mạo, phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định đến năm 2020.
Các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Bình Định đa dạng trong nhiều lĩnh vực, từ cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị thương mại - dịch vụ đến sản xuất sản phẩm thép, thực phẩm, nuôi trồng thủy sản… Tiêu biểu một số dự án có vốn đầu tư lớn, như: Quần thể golf - resort cao cấp FLC Nhơn Lý và Khu nghỉ dưỡng du lịch sinh thái cao cấp Eo Gió của Tập đoàn FLC với số vốn đầu tư cả 2 dự án hơn 5.000 tỷ đồng; Quần thể du lịch Vinpearl Quy Nhơn do Vingroup đầu tư với số vốn 3.500 tỷ đồng; Nhà máy thép Hoa Sen Nhơn Hội do Tập đoàn Hoa Sen đầu tư 2.000 tỷ đồng; Khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao của Tập đoàn Việt Úc 850 tỷ đồng; Trang trại heo giống công nghệ cao của Tập đoàn Hùng Vương với số vốn 300 tỷ đồng; Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định - phần mở rộng theo hình thức xã hội hóa của Công ty CP Đầu tư Cotec Healthcare vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng; Nhà máy Phong điện Phương Mai 1 do Công ty CP Phong điện Phương Mai làm chủ đầu tư với số vốn 60,25 triệu USD...
Năm 2015, tỉnh có 6 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 43,08 triệu USD. Đến nay, Bình Định có 61 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 1,798 tỷ USD. Theo lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp có 08 dự án (vốn đăng ký 52 triệu USD), công nghiệp - xây dựng có 33 dự án (1,4 tỷ USD), dịch vụ có 20 dự án (336 triệu USD).
Trong những năm qua, Bình Định đã có nhiều nỗ lực trong công tác xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư. Để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, công tác tuyên truyền, kêu gọi đầu tư được tỉnh Bình Định triển khai thực hiện theo hướng có trọng tâm, trọng điểm bằng các giải pháp thiết thực. Các hoạt động phải kể đến như tuyên truyền trên đài truyền hình với từng chuyên đề cụ thể; đặt khu trưng bày giới thiệu quảng bá về tỉnh Bình Định tại trụ sở các tập đoàn lớn trong và nước ngoài; tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư ra nước ngoài...
Qua đó, sẽ tập trung mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh để đầu tư các dự án then chốt vào những lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh như du lịch - dịch vụ, hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến. Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng tri thức cao, thân thiện với môi trường sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, khoáng sản đất đai, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh. Chú trọng nhóm các nhà đầu tư vừa và nhỏ nhưng có công nghệ sạch và cao của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, các quốc gia Tây Âu để vừa đẩy nhanh tiến độ lấp đầy khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, vừa đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ, tạo tiền đề hấp dẫn các nhà đầu tư lớn. Chính sự vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền này nên gần đây Bình Định là một trong những địa chỉ được nhiều nhà đầu tư biết đến và quan tâm tìm hiểu.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các NĐT
Để đạt được những kết quả trên, yếu tố quyết định chính là môi trường đầu tư. Đây là vấn đề được lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Với quan điểm thành công của các nhà đầu tư là thành công của Bình Định, tỉnh coi trọng công tác cải cách hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đến với Bình Định, các nhà đầu tư luôn được hướng dẫn tận tình, cụ thể về các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút vào đầu tư tại tỉnh; cũng như giới thiệu cho các nhà đầu tư về những tiềm năng, thế mạnh ở những lĩnh vực có liên quan, để sự phối hợp giữa các ngành được nhịp nhàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư kinh doanh tại Bình Định. Và điều đặc biệt nhất là Bình Định liên tục cải cách thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian mà nhà đầu tư thực hiện các thủ tục xin phép đầu tư tại Bình Định, với phương châm "Để cho nhà đầu tư hài lòng nhất khi thực hiện việc đầu tư tại Bình Định".
Lãnh đạo tỉnh Bình Định cam kết tạo điều kiện, giao mặt bằng để các nhà đầu tư triển khai dự án; đẩy nhanh việc xác định giá trị đầu tư của các chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Nhơn Hội. Địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; tập trung đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ, tay nghề; tiếp tục xây dựng hệ thống các quy hoạch, kế hoạch, các hoạch định hiện đại mang tính chiến lược và luôn đi trước một bước. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, các hộ gia đình, cá nhân đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu…
UBND tỉnh đã ban hành các quyết định quy định về việc tiếp nhận, xử lý những vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân về thủ tục hành chính. Trong đó, quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong tiếp nhận, xử lý những vướng mắc, kiến nghị, trình tự thủ tục và thời hạn giải quyết kiến nghị, đồng thời cũng quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong việc kiến nghị về thủ tục hành chính. Qua đó, đã phát hiện những thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây khó khăn, cản trở cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Với những việc đã làm được trong công tác thu hút đầu tư, cùng với quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính trong thời gian tới, Bình Định sẽ tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường đi tới mục tiêu đã định, xứng đáng là tỉnh có vị trí quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Hồ Quốc Dũng
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định