Kinh tế ban đêm hướng nhiều đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng về đêm Kinh tế ban đêm hướng nhiều đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng về đêm (Ảnh minh họa)Kinh tế ban đêm hướng nhiều đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng về đêm (Ảnh minh họa)

Theo Đề án, một trong những giải pháp chủ động phát triển kinh tế ban đêm là cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số thành phố, khu du lịch lớn. Mục tiêu của Đề án trên là khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Giải pháp chủ động phát triển kinh tế ban đêm gồm: Nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về lợi ích và rủi ro phát triển kinh tế ban đêm; nhóm giải pháp tiếp tục hoàn thiện chính sách, khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế ban đêm và kiểm soát rủi ro; Nhóm giải pháp sử dụng quy hoạch để quản lý các hoạt động kinh tế ban đêm; nhóm giải pháp thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động dịch vụ ban đêm tại một số thành phố và một số khu du lịch lớn trên cả nước và một số giải pháp khác.

Trong đó, cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở một số thành phố/trung tâm lớn nơi có đông lượng khách du lịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc. Trên cơ sở đó, đánh giá hiệu quả hoạt động và công tác quản lý hoạt động kinh tế ban đêm ở những nơi đã lựa chọn để xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động kinh tế ban đêm và sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác.

Xây dựng và thực thi các chính sách khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia hoạt động kinh tế ban đêm thông qua nâng cao năng lực, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh tiếp cận nguồn tài chính chính thức, đặc biệt là vốn tín dụng ngân hàng. Đẩy mạnh xúc tiến du lịch, quảng bá các hoạt động kinh tế ban đêm; xây dựng sản phẩm du lịch đêm dựa trên yếu tố văn hóa bản địa, tạo điểm nhấn theo đặc trưng địa phương (lựa chọn các loại hình dịch vụ, các địa điểm mang tính biểu tượng để thu hút khách du lịch)…

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, phát triển kinh tế ban đêm là yêu cầu đặt ra từ trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

TS. Minh phân tích, kinh tế ban đêm hướng nhiều đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng về đêm. Khung giờ “đêm” tùy thuộc vào định nghĩa, có thể hẹp trong khoảng từ 6 giờ tối đến 10 giờ tối, nhưng cũng có thể kéo dài từ 6 giờ tối cho đến 6 giờ sáng của ngày hôm sau. Dù theo định nghĩa nào, kinh tế ban đêm gắn với một cách nhìn nhận mới: khung giờ đêm là một không gian cho hoạt động kinh tế, gắn với sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng, việc làm, thu nhập và giá trị cho xã hội, chứ không chỉ là thời gian để mọi người nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình sau một ngày làm việc.

Kinh tế ban đêm không phải là mô hình hoàn toàn mới, mà đã trải qua nhiều thập kỷ hình thành và phát triển ở nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới. Sự hình thành và phát triển đó đã được minh chứng qua những số liệu cụ thể. Tại Vương quốc Anh, trung bình doanh thu hàng năm từ kinh tế ban đêm đạt 66 tỷ bảng và tạo ra hơn 1,3 triệu việc làm; hay tại Australia, quy mô doanh thu từ kinh tế ban đêm ở các khu đô thị lớn đạt tới 136 tỷ đôla Australia trong năm 2018, tương đương 5% quy mô kinh tế nước này, và tạo việc làm cho 1,1 triệu người. Dù vậy, chỉ đến khi Trung Quốc – nền kinh tế đang phát triển lớn nhất chủ trương nghiên cứu định hướng phát triển kinh tế ban đêm, mô hình này mới nhận được sự quan tâm từ các nước châu Á khác.

 Dù có không ít thành tựu về tăng trưởng kinh tế, Việt Nam vẫn phải đối mặt với rủi ro về “bẫy thu nhập trung bình”. Để xử lý rủi ro này, một định hướng quan trọng mà Việt Nam đã và đang thực hiện là tìm kiếm thêm các động lực tăng trưởng, đặc biệt thông qua các mô hình kinh tế mới.

“Đề án phát triển kinh tế ban đêm được phê duyệt ngày 27/7/2020 – thời điểm đất nước đang theo dõi, đánh giá từng phút giây về diễn biến dịch Covid-19 mới. Có thể sẽ có băn khoăn về khả năng thực thi Đề án ngay tại thời điểm này, khi không ít thành phố du lịch đang quan ngại về khả năng phòng chống dịch, còn khách du lịch thì có xu hướng hoãn, hủy chuyến.

Dù vậy, Đề án đã được “thử lửa” ngay từ giai đoạn xây dựng và hoàn thiện, nhất là từ giai đoạn tháng 3 và tháng 4 gắn với giai đoạn phòng chống dịch và giãn cách xã hội của cả nước. Thực tế cho thấy, đại dịch Covid-19 không làm giảm sự quan tâm đối với việc xây dựng, tham vấn về định hướng phát triển kinh tế ban đêm. Việc ban hành Đề án càng thể hiện quyết tâm không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào cho tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, có thể tin tưởng mô hình thí điểm về kinh tế ban đêm sẽ sớm được triển khai và nhân rộng”, TS. Minh nhận định.

Chính vì vậy, sẽ còn nhiều điều phải làm để cụ thể hóa chính sách phát triển kinh tế ban đêm trên thực tế. Tuy nhiên, kinh tế ban đêm đã có tương tác không nhỏ với các mô hình kinh tế khác như kinh tế chia sẻ, kinh tế số... Chẳng hạn, hoạt động giao đồ ăn qua mô hình kinh tế chia sẻ đã rất phổ biến trong khung thời gian của kinh tế ban đêm.

Như vậy, phát triển kinh tế ban đêm có thể cùng với các mô hình kinh tế mới khác bổ sung đáng kể động lực cho tăng trưởng ở Việt Nam, đúng như tục ngữ “tích tiểu thành đại”. TS. Minh bày tỏ tin tưởng, khi thực hiện Đề án, các Bộ, ngành, địa phương sẽ mạnh dạn để có những bước đi cụ thể, có thể chưa xa nhưng thật vững chắc.

Trần Nguyên