Con số tăng trưởng GDP quý I đạt 5,03%, cao hơn tốc độ tăng năm 2021 là 4,72% là số liệu đã được công bố từ tuần trước. Lạm phát được kiểm soát. Đây là những tín hiệu lạc quan cần duy trì.
Việt Nam kiềm chế tốt lạm phát trong bối cảnh lạm phát thế giới đang nóng lên. Lý do là bởi lương thực, thực phẩm chiếm 28% tỷ trọng trong rổ hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam, đây lại là nhóm hàng mà Việt nam luôn được đảm bảo sản xuất và giữ nguồn cung ứng dồi dào, thậm chí một số mặt hàng giảm giá sâu.
Dù còn nhiều việc phải làm liên quan đến các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thiết thực hơn, nhanh hơn, điều chỉnh chính sách thuế phù hợp với tình hình mới, kiểm soát bão giá… để tạo sự đồng bộ và hiệu quả trong thực thi chính sách, nhưng với những tín hiệu lạc quan vừa qua, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự phục hồi và tăng trưởng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhấn mạnh tới việc sớm triển khai Chương trình phục hồi như một gói giải pháp quan trọng để trợ lực cho kinh tế. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng, ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình chưa được như mong đợi và nếu chậm có thể tác động đến hiệu quả thực hiện, vì vậy phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm các bộ, ngành cần thực hiện trong thời gian tới.
Trong việc thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, quan trọng nhất là phải đẩy nhanh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công. Đây cũng là nội dung được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong hội nghị với Chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương diễn ra trong tuần.
Một thông điệp kiên quyết được người đứng đầu Chính phủ đưa r là nếu không hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công thì sẽ kiểm điểm người đứng đầu. Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Chính phủ phê bình nghiêm khắc 13 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương đến ngày 30/03 chưa phân bổ hết kế hoạch năm 2022 được giao, 29 bộ, cơ quan trung ương đến nay chưa giải ngân kế hoạch vốn năm nay.
Trúc Mai