Ngay trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin, Hội thảo "Nga và Việt Nam: 30 năm Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị" vừa diễn ra tại trụ sở Viện Phương Đông học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga.
Hội thảo đã quy tụ những nhà nghiên cứu Việt Nam hàng đầu hiện nay thuộc nhiều thế hệ tại Liên bang Nga.
Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Viện Phương Đông học, Tiến sỹ Sử học Valentin Golovachev chỉ ra rằng, sau 30 năm ký kết, Hiệp ước về các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị đã chứng tỏ giá trị của mình theo thời gian.
Đến nay, Hiệp ước được gia hạn tự động 4 lần và dịp kỷ niệm 30 năm lần này, ngoài việc tổng kết tình hình thực hiện Hiệp ước, còn có những cái nhìn về tương lai của mối quan hệ song phương, tìm ra những triển vọng mới, mở ra những cơ hội mới cho hợp tác hai bên.
Cụ thể, các báo cáo tại hội nghị đã phản ánh thực trạng quan hệ Việt Nam và Liên bang Nga trong những lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hoá và thể hiện mối quan tâm của giới học giả Nga.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Hiệp ước đã phát huy hiệu quả ngay từ sau khi được ký kết, Việt Nam và Liên bang Nga trở thành đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam là nước đầu tiên ngoài khu vực ký Thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) mà Nga là đầu tàu, quan hệ chính trị tốt đẹp, lãnh đạo cấp cao duy trì tiếp xúc thường xuyên, giữa hai nước luôn có sự đoàn kết nhất trí và tương đồng tại nhiều diễn đàn, thiện cảm giữa nhân dân hai nước tiếp nối được truyền thống tốt đẹp từ thời Liên Xô.
Tuy nhiên, hợp tác kinh tế chưa xứng tầm với quan hệ giữa hai bên, đặc biệt trong thời gian gần đây.
Tiến sỹ kinh tế, lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Trung Quốc và Châu Á hiện đại, Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã dẫn ra kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước đối tác, các tổ chức đối tác để so sánh với kim ngạch Việt Nam-EAEU, Việt Nam-Liên bang Nga.
Dù rất nhiều hàng hóa được hưởng thuế suất nhập khẩu bằng 0 song kết quả trao đổi hàng hóa không phải là con số đáng khích lệ. Nguyên nhân khách quan gần đây mà các chuyên gia chỉ ra tại Hội thảo là khó khăn trong hoạt động thanh toán cũng như không có đường bay thẳng giữa hai nước.
Đó cũng là một nhiệm vụ cần được giải quyết sớm và hy vọng trong chuyến thăm tới đây của Tổng thống Putin, hai bên sẽ tìm ra được cơ chế hiệu quả để giải quyết vấn đề này.
Trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga Đặng Minh Khôi đã đánh giá về tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước thời gian tới, các lĩnh vực hợp tác tiềm năng mới
Năm 2012, Việt Nam và Liên bang Nga đã xác lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Năm 2015, Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu đã ký Hiệp định thương mại tự do (VN-EAEU FTA), tạo thuận lợi cho phát triển hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư giữa hai nước. Sau khi Hiệp định VN-EAEU FTA có hiệu lực từ tháng 10-2016, thương mại song phương Việt Nam - Nga phát triển nhanh, đạt kim ngạch 5,5 tỷ USD vào năm 2021, tăng 90% so với năm 2016.
Tuy nhiên, từ sau khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine, tình hình chính trị - kinh tế trên thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực tới hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước. Cùng với sự nỗ lực chung của các cơ quan chức năng và của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, các khó khăn về vận tải, thanh toán… từng bước được tháo gỡ, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga đã có sự hồi phục rõ rệt.
Về đầu tư, tính đến hết tháng 5/2024, Liên bang Nga có 186 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1 tỷ USD; trong khi đó Việt Nam có khoảng 25 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD. Hợp tác trong lĩnh vực truyền thống là dầu khí tiếp tục được duy trì và củng cố, với hai doanh nghiệp tiêu biểu là Vietsovpetro và Rusvietpetro tiếp tục hoạt động có hiệu quả. Hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực khác như chế biến thực phẩm, sản xuất - lắp ráp ôtô… cũng từng bước phát triển.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Putin, lãnh đạo hai nước sẽ thảo luận và định hướng cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đến năm 2030, xác định rõ hơn các lĩnh vực hợp tác trọng điểm, từ kinh tế, thương mại, quốc phòng an ninh, năng lượng, khoa học công nghệ đến giáo dục, văn hóa ngoại giao nhân dân. Các mục tiêu dài hạn và kế hoạch hành động cụ thể sẽ được đề ra, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả của quan hệ song phương trong tương lai.
Ngoài ra, chuyến thăm này còn là cơ hội để cả hai bên ký kết và triển khai các thỏa thuận hợp tác mới, tạo động lực thúc đẩy quan hệ song phương. Những thỏa thuận này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn củng cố sự gắn kết về mặt chính trị và chiến lược giữa hai nước. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Nga càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Thiên Trường (t/h)