Sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam trải qua thời kỳ liên tục tăng trưởng. Từ một nước kém phát triển, Việt Nam hiện đã vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, cũng như đặt mục tiêu phấn đấu trở thành nước thu nhập trung bình cao năm 2030 và sẽ trở thành nước có thu nhập cao năm 2045.
Kinh tế số và thu nhập
Kinh tế số được xác định là một động lực mới cho tăng trưởng, có khả năng tạo động lực mở đường cho một quỹ đạo tăng trưởng mới, nhanh và bền vững. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đưa phát triển kinh tế số vào một trong những nhiệm vụ trọng tâm và định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030.
“Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ đã khẳng định quan điểm nhiệm vụ phát triển kinh tế số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia. Đi kèm với đó là mục tiêu phát triển kinh tế số Việt Nam chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030.
GS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, Chính phủ và các địa phương đã cho thấy quyết tâm cao, trách nhiệm lớn trong phát triển kinh tế số. Điều này thể hiện qua Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ và hầu hết các địa phương đều đã có Nghị quyết, Đề án chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
Tuy nhiên, GS. Trần Thọ Đạt chỉ ra thực tế là hầu hết các Đề án đều chưa rõ về định lượng cơ cấu phát triển kinh tế số (kinh tế số lõi, kinh tế internet và kinh tế ngành), tác động cùa kinh tế số trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung của tỉnh, các kịch bản phát triển kinh tế số khác nhau,…
“Chính phủ cần sớm có cơ chế thúc đẩy phát triển kinh tế số tại các vùng kinh tế trọng điểm để liên kết các đề án chuyển đổi số và phát triển kinh tế số của các địa phương thuộc vùng trọng điểm, phát huy lợi thế vùng không chỉ là nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, mà còn có các điều kiện và tiềm năng thuận lợi để phát triển kinh tế số”, GS. Trần Thọ Đạt nêu khuyến nghị.
Để nâng cao năng suất của quá trình chuyển đổi và phát triển kinh tế số, GS. Trần Thọ Đạt nhấn mạnh, cần phải có chiến lược đầu tư công hiệu quả, tập trung vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tốc độ cao rộng khắp, an ninh mạng để đảm bảo an ninh và kỹ năng số mở rộng. Bên cạnh đó, chúng ta cần thực thi những cải cách và quy định pháp lý nhằm hiện đại hóa dịch vụ nhà nước và phân bổ nguồn lực hiệu quả, tăng cường mạng lưới đổi mới sáng tạo.
Kinh tế số - Kinh tế Nhà nước
Trong bối cảnh kinh tế số mang đến cả những thách thức và cơ hội, GS. Trần Thọ Đạt cho rằng: “Chính phủ và khu vực kinh tế Nhà nước cần có có một vai trò mới liên quan đến hiệu quả, đảm bảo sự công bằng và bình đẳng cũng như giám sát sức mạnh thị trường của các nền tảng lớn và khuyến khích đổi mới nhiều hơn, xây dựng một khuôn khổ thể chế và pháp lý hiệu quả cho việc phân phối tài sản dữ liệu, thiết kế một hệ thống thuế và thúc đẩy hiệu quả kinh tế kỹ thuật số trong việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu, rộng”.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế của chính phủ, đặc biệt khi thực hiện các chiến lược cập nhật công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể thích nghi và phát triển trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh”, GS. Trần Thọ Đạt nêu quan điểm.
GS. Trần Thọ Đạt nhấn mạnh trách nhiệm và vai trò tiên phong của các doanh nghiệp Nhà nước trong chuyển đổi số, phát triển các nền tảng số quốc gia, nền tảng số ngành, chuyển đổi thành các doanh nghiệp công nghệ số, hình thành hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số xung quanh mảng kinh doanh lõi.
Các doanh nghiệp nhà nước cũng cần thay đổi và cải tiến quy trình và hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu làm sản phẩm theo hướng "Make in Vietnam" (sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam).
Kinh tế số và Make in Vietnam
"Make in Vietnam" là điểm nhấn quan trọng trong “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ. Điều này có thể giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và cung cấp các sản phẩm công nghiệp chất lượng cao trên thị trường quốc tế.
Để sản xuất các sản phẩm “Make in Vietnam” thành công, các doanh nghiệp nhà nước không những cần tập trung cản thiện khâu nghiên cứu, đầu tư, phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn cần cải cách thể chế, tăng cường năng lực quản lý và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để thích ứng với thị trường và tiêu chuẩn quốc tế.
GS. Trần Thọ Đạt đưa ra gợi ý: “Một số lĩnh vực mà doanh nghiệp Nhà nước nên sản xuất các sản phẩm “Make in Vietnam” bao gồm: Công nghệ thông tin và truyền thông: sản xuất các thiết bị phần cứng, phần mềm, ứng dụng, dịch vụ, giải pháp và hệ thống thông tin, Sản xuất và chế biến nông sản, thủy sản: Sản xuất các sản phẩm nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống, gia vị, thực phẩm chức năng, dinh dưỡng; Công nghiệp hỗ trợ: Sản xuất các thiết bị, máy móc, linh kiện, phụ tùng và dịch vụ hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chính như: Ô tô, điện tử, điện lạnh, tàu thủy, hàng không vũ trụ và năng lượng tái tạo”.
PV (t/h)