Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới năm nay của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, sự kết hợp của hàng loạt các nguyên nhân như xung đột Nga-Ukraine, khủng hoảng giá sinh hoạt do áp lực lạm phát kéo dài và suy giảm của kinh tế Trung Quốc khiến kinh tế toàn cầu đối mặt với những thách thức lớn.

Ảnh minh họa (khai thác)
Ảnh minh họa (khai thác).

Theo IFM, dự báo kinh tế toàn cầu trong năm 2023 đã giảm xuống còn 2,7%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng Bảy. Năm 2023 sự chậm lại của kinh tế thế giới sẽ diễn ra trên diện rộng khi các nền kinh tế lớn trên thế giới đối mặt với nhiều khó khăn. 

Ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF cho biết: “Ba nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) sẽ tiếp tục đình trệ. Nói một cách ngắn gọn, điều xấu nhất vẫn chưa tới và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như năm suy thoái”.

Theo dự báo của IMF, việc thắt chặt các điều kiện tài chính và tiền tệ sẽ khiến kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 1% vào năm 2023, trong khi đó tại Trung Quốc sự suy yếu trong lĩnh vực bất động sản và chính sách “zero Covid” khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 4,4%.

Còn tại khu vực đồng tiền chung Châu Âu, khủng hoảng năng lượng do thiếu hụt nguồn cung khiến tốc độ tăng trưởng khu vực này được dự đoán là 0,5% trong năm 2023. Pháp, Đức – hai đầu tàu của khu vực đồng tiền chung cũng đối mặt nguy cơ suy thoái. Ngân hàng trung ương Pháp không loại trừ khả năng Pháp và Châu Âu chứng kiến một giai đoạn suy thoái hạn chế vào đầu năm tới.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck dự báo, trong năm 2023 kinh tế nước này sẽ thu hẹp 0,4% và lạm phát ở mức 7%.

“Chúng ta sẽ chứng kiến sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế trong năm nay, so với dự báo được đưa ra trước đó vào tháng Tư. Mùa thu năm nay, dự báo tăng trưởng ở mức 1,4%. Trong khi con số đưa ra hồi tháng Tư là 2,2%. Năm tới, tăng trưởng sẽ ở mức âm 0,4%, hay nói cách khác là tăng trưởng âm, là rơi vào suy thoái” - ông Habeck nói.

IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Châu Á. Các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 4,4% trong năm nay và 4,9% năm 2023, giảm tương ứng 0,2 điểm phần trăm và 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Bảy. Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan dự báo ghi nhận tăng trưởng 5,3% trong năm nay so với mức tăng 3,4% năm 2021. Mức tăng này dự báo sẽ giảm xuống 4,9% vào năm 2023 do nhu cầu giảm từ các đối tác thương mại chủ chốt như Trung Quốc, khu vực đồng tiền chung Châu Âu và Mỹ.

Bên cạnh nguy cơ suy thoái, thị trường tài chính toàn cầu cũng đang trong trạng thái căng thẳng do chính sách của các nước lớn. Thế giới đang chứng kiến làn sóng tăng lãi suất nhanh chóng và rộng khắp của các ngân hàng trung. Hơn 90 ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất trong năm nay và là số lần tăng lãi suất nhiều nhất kể từ năm 1970 trở lại đây. Theo các chuyên gia tư vấn tài chính, tình hình thị trường bất động sản tại nhiều nước cũng đang làm dấy lên những lo ngại về việc rủi ro có thể lan rộng sang cả các ngân hàng và nền kinh tế vĩ mô.

Với những dự báo đến thời điểm hiện tại, đà giảm tốc của kinh tế thế giới là khó có thể đảo ngược, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đã trở thành nhận định chung của các chuyên gia và tổ chức tài chính quốc tế. Do đó, để ngăn chặn “bóng ma” suy thoái, nỗ lực riêng lẻ của từng nền kinh tế là hoàn toàn không đủ mà thế giới cần phải chung tay hành động, đặc biệt là nỗ lực chung và các biện pháp đồng bộ của các nền kinh tế lớn.

Theo VOV.vn