Theo Báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2020 – kỳ vọng đổi thay của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, nửa đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã phủ bóng đen lên nền kinh tế. GDP quý II/2020 ước tính tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng một thập kỷ, khi tất cả khối ngành đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tính chung nửa đầu năm 2020, GDP Việt Nam tăng trưởng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ảnh minh họa
Trong khi đó, báo cáo mới đây của Bộ phận Nghiên cứu kinh tế toàn cầu Ngân hàng HSBC về triển vọng kinh tế Việt Nam cho thấy, mặc dù tăng trưởng quý I so với cùng kỳ thấp, nhưng trong quý II vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực đáng ngạc nhiên, bất chấp những dự đoán về sự thu hẹp trong hoạt động kinh tế.
Các lĩnh vực dịch vụ đối ngoại của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề hơn khi ngành du lịch giảm gần 100% trong quý II/2020. Điều đó cho thấy, khu vực trong nước có sức chống chọi khá tốt. Nhờ đẩy mạnh kết nối chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, sản xuất liên quan đến ngành hàng điện tử đã phần nào bù đắp điểm yếu trong các lĩnh vực sản xuất truyền thống.
Như vậy, 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam cơ bản đã đạt được “mục tiêu kép” vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa đạt mức tăng trưởng dương, cao hàng đầu thế giới. Các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế đều nhận định, Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi nhanh hơn dự đoán.
“GDP cả năm dự báo đạt mức tăng trưởng 4,5% nhờ sự hồi phục của các ngành sản xuất và tăng giải ngân đầu tư công, trong bối cảnh các chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng và tỷ giá USD/VND ổn định”, báo cáo của Ngân hàng HSBC nêu rõ.
Các tổ chức tài chính quốc tế khác như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo GDP Việt Nam đạt mức tăng trưởng 4,1% trong năm 2020. Mặc dù con số này thấp hơn 0,7 điểm phần trăm so với dự báo tháng 4 của ADB, song đây vẫn là mức tăng trưởng nhanh nhất được kỳ vọng tại Đông Nam Á.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 đạt 3,0% và kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tương đối nhanh chóng, sẽ có tốc độ tăng trưởng 6,8% vào năm 2021.
Nhiều chuyên gia quốc tế đều lưu ý, Việt Nam nên thận trọng trong thời gian tới, bởi làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 có thể phủ bóng đen lên nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực tiêu dùng và những căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Để đạt tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa.
Bên cạnh đó, kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam.
Thu Phương