Ảnh minh họa
Sự hồi phục nhất định
Trình bày Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR - Trường ĐHKT, ĐHQG Hà Nội) nêu rõ:
Nhìn vào khuynh hướng chung, Việt Nam vẫn ở trong vòng tăng trưởng có sự hồi phục nhất định, tuy không nhanh. Tăng trưởng quý II là 6,17%, hơn hẳn so với quý trước, trong đó khu vực tăng trưởng đến từ nông nghiệp và dịch vụ. Còn lại, tăng trưởng theo ngành, khu vực cho thấy, chỉ số công nghiệp có dấu hiệu tăng dần, đạt 8,6% cuối quý II.
Chỉ số PMI có xu hướng giảm, nhưng vẫn duy trì trên ngưỡng 50 điểm. Số DN thành lập mới tăng ổn định về cả số lượng và vốn đăng ký. Số DN tạm ngừng hoạt động tăng đáng kể (21,8%), phục hồi chủ yếu nhờ khu vực FDI.
Một điểm khác trong nền kinh tế, liên quan tới vấn đề lạm phát. Nửa năm 2017, lạm phát giảm rất mạnh, do cuộc khủng hoảng thừa thịt lợn, kéo theo giá lương thực, thực phẩm khác.
Về cán cân thương mại, Báo cáo chỉ rõ, thương mại tăng trưởng mạnh cả về giá trị và lượng trong quý II. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại với Hàn Quốc rất lớn, hiện tượng lịch sử này đã được cảnh báo trước. Nhập siêu từ Hàn Quốc, lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc, có thể tiếp tục diễn ra. Xuất siêu vẫn giữ nguyên, khi Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất, sau đó là châu Âu.
Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI ngày càng tăng: Chiếm 32,9% tổng xuất năm 2009; 70,2% năm 2016 và 72,4% trong nửa đầu năm 2017. Vốn đầu tư toàn xã hội khu vực FDI tăng nhanh trong những năm gần đây, luôn ở mức 22 - 24% tổng vốn đầu tư. Giảm nhẹ trong năm 2016 nhưng phục hồi trong nửa đầu năm 2017.
Thêm vào đó, theo TS. Thành, trong quý II, bội chi ngân sách giảm đáng kể, nhưng không phải đến từ điều chúng ta mong muốn, mà chủ yếu là do chậm giải ngân vốn đầu tư công. Trong khi chi thường xuyên và chi trả nợ tiếp tục tăng cao (lần lượt đạt 398,9 và 138,1 nghìn tỷ). Thu ngân sách đến từ khu vực trong nước, DN tư nhân, trong khi thu từ DNNN giảm (chiếm 16,5%., chỉ bằng 28,8% dự toán). Lượng vốn FDI giải ngân phục hồi, đạt 4,1 tỷ USD, tăng 9,3%.
Tới cuối quý II, tăng trưởng tín dụng đạt mức 7,54% so với tháng 12/2016, cao nhất trong vòng 6 năm. Tăng trưởng huy động giảm mạnh, đạt 5,89%. Thanh khoản trên thị trường vẫn dồi dào do lượng tiền gửi của kho bạc nhà nước vào hệ thống ngân hàng tăng mạnh (chậm giải ngân) và động thái mua vào ngoại tệ của NHNN. Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh trong quý II, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đều duy trì ổn định.
VEPR dự báo, quý III, tăng trưởng kinh tế đạt 6,66%; lạm phát 1,8%. Quý IV, tăng trưởng đạt 7,01%; lạm phát 2,2%. GDP cả năm 2017 đạt 6,37%.
Những điều đáng lo ngại
Chuyên gia – TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, Báo cáo kinh tế quý II rất kịp thời, đưa ra sớm nhất và có các nhận xét độc lập.
Tuy nhiên, ông Doanh nhấn mạnh, mục tiêu tăng trưởng cả năm đề ra 6,7%, nếu không đạt, bội chi ngân sách và tỷ lệ nợ công có thể vượt ngưỡng Quốc hội đề ra. Chính phủ muốn tăng trưởng 6,7% là hợp lý, có điều cần chỉ rõ biện pháp để đạt được. Tiềm năng vẫn nằm ở cải cách, trước hết ở khu vực DNNN, có như vậy mới nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, giảm chi phí.
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, tuy nhìn vào những điểm tích cực của quý II, nhưng bên cạnh đó còn nhiều điều lo lắng, chưa thật an tâm về tạo đà tăng trưởng trong dài hạn. Bởi 6 tháng cuối năm còn nhiều nhân tố, chưa thể hình dung được hoặc đến bất chợt.
Chuyên gia Phạm Chi Lan bày tỏ: “Lo ngại thứ nhất, rõ ràng tăng trưởng quý II nhờ nhiều vào động lực FDI, xuất khẩu như truyền thống. Nhập khẩu tăng lên từ hỗ trợ nước ngoài vào đầu tư của họ. Nhưng khu vực trong nước khó khăn, chưa có bằng chứng thuyết phục cho thấy đang khởi sắc. Khu vực công của Nhà nước cũng vẫn đang trong quá trình cải cách nhọc nhằn.
Điểm lại cho thấy, văn bản, nghị quyết, luật, nghị định, chỉ thị khá đầy đủ nhưng hiệu lực thực thi kém. Vấn đề hiện tại là làm sao thực hiện cho được những gì đã đưa ra, không cần đặt thêm văn bản nữa?
Khu vực tư vẫn tiếp tục khó khăn. Những vấn đề DN đặt ra tại cuộc gặp, đối thoại với Thủ tướng không khác cuộc gặp giữa Thủ tướng Phan Văn Khải với DN cách đây 20 năm. Thậm chí, mức độ còn gay cấn hơn, khi ngay sau đó, Thủ tướng phải ra ngay Chỉ thị giảm thanh tra, kiểm tra DN.
Chi phí, gánh nặng tuân thủ của DN trong thực hiện chính sách vẫn chưa giảm, xu hướng tăng vẫn rõ. Trong nhiều lĩnh vực, khi chính sách thay đổi thì trở nên rối rắm hơn; khi bộ, ngành liên quan tranh thủ “cài cắm” vào thêm.
Lo lắng tiếp cho 2 ngành lớn là nông nghiệp và công nghiệp. Tuy không gặp khó vì thiên tai như năm ngoái, nhưng nông nghiệp năm nay rơi vào nghịch lý sản xuất dư thừa, các mặt hàng đều phải giải cứu. Điều đó chứng tỏ nông nghiệp chưa phát triển theo định hướng, nhu cầu thị trường. Nông nghiệp vẫn chưa giải được bài toán chất lượng, an toàn thực phẩm với người tiêu dùng và XK. Lĩnh vực công nghiệp, những thay đổi về năng suất, giá trị gia tăng chưa có được bao nhiêu... Cả 2 vẫn đang trong tình trạng bế tắc, chưa vượt lên được. Nếu không thay đổi để có động lực tốt hơn thì không có động lực trong dài hạn”.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực nhận định, năm nay chiều hướng có vẻ ngược so với năm ngoái, khi tín dụng đầu năm tăng 8%, huy động vốn 6%.
“Tín dụng tăng trưởng quá cao, trên 18%, trong khi huy động vốn không đảm bảo được thì cuối năm thanh khoản hệ thống ngân hàng phức tạp hơn rất nhiều. Quan điểm của tôi, không nên điều chỉnh việc tăng tín dụng vượt quá 18%.
Hiện nay, tín dụng tăng trưởng cao để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế chưa hẳn đúng. Tuy có mối quan hệ tương quan, nhưng không phải chặt chẽ. Mô hình các nước thu nhập thấp cho thấy, tín dụng tăng 10% thì GDP tăng 0,5%, con số này không đáng kể.
Trong một nền kinh tế, đầu tư chỉ là 1 trong 3 cấu phần, trong đó vốn chỉ đóng góp 45 - 48%. Cần có thông điệp rõ ràng với Chính phủ”, TS. Lực nêu.
Nhất quán về chính sách
Đánh giá về tình hình kinh tế nửa đầu năm, TS. Thành đưa ra một số lưu ý về chính sách. Cụ thể, cần xem xét lại cách thức tăng trưởng vì bối cảnh hội nhập đang thay đổi. Các tư duy ngắn hạn, mang tính đối phó với sự suy giảm tăng trưởng như nỗ lực tăng thêm vốn, đẩy nhanh giải ngân các công trình công, hoặc tăng sản lượng khai thác dầu thô… có thể vừa không khả thi, vừa xóa nhòa những quyết tâm cải cách.
Theo TS. Thành: “Kinh tế phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI, đã đến lúc nên đặt câu hỏi về chất lượng tăng trưởng một cách thực tế, là mức tăng trưởng chung, dù cao, có phản ánh thực lực của nền kinh tế hay không?”.
Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp nhằm kiếm soát chi thường xuyên như chính sách tinh giản biên chế, từng bước thoái vốn khỏi các DNNN, cũng như nâng cao hiệu quả chi phí quản trị nhà nước.
Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt chẽ tình hình tín dụng vì nó hàm chứa nhiều rủi ro trên thị trường vốn. Nếu vốn ngân sách được đẩy mạnh giải ngân vào cuối năm, có thể gây sức ép mới về thanh khoản và lãi suất. Để bình ổn, NHNN có thể phải bổ sung lượng phương tiện thanh toán về cuối năm. Điều này, trong bối cảnh tín dụng đang tăng trưởng cao hơn tiền gửi, có thể dẫn tới khả năng lạm phát cao hơn trong năm 2018.
Và điểm quan trọng, sự điều hành chính sách của Chính phủ cũng cần nhất quán với môi trường đang biến đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó nhiều chính sách cần được thay đổi cho phù hợp với điều kiện kinh doanh mới.
Trần Nguyên