Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 - 2019, ông có thể đưa ra những nhận định của mình?

Về mặt tích cực, kinh tế tăng trưởng khá cao, tương đương với 2017. Năm 2017, các chuyên gia cho rằng sự tăng trưởng ở mức khó tưởng tưởng, nhưng năm 2019 sẽ khó ổn định như vậy. 

Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, XK và tiêu dùng bán lẻ tăng mạnh. Giải ngân FDI tăng trưởng tích cực (tăng 3%), đầu tư trong nước, số DN tăng, vốn điều lệ DN mới cũng tăng. Dịch vụ và du lịch tiếp tục là điểm sáng, 11 tháng đầu năm 2018, đón 14,1 triệu lượt khách, tăng 21,3% so cùng kỳ. BĐS phát triển theo hướng ổn định và điều chỉnh hợp lý hơn. Tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục. Kết quả kinh doanh của nhiều ngành khả quan… Chính phủ tiếp tục cam kết cải cách, nhất là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Hội nhập quốc tế được tăng cường, hiệp định CPTPP và EVFTA có hiệu lực vào năm 2019...

Về kinh doanh của các DN trên sàn chứng khoán, thị trường tăng 31%, riêng BĐS tăng 51% với các DN niêm yết trên sàn. Do đó, có thể coi 2018 là một năm khả quan với ngành BĐS.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với không ít rủi ro, thách thức. Về chủ quan, các lĩnh vực tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm (gồm cả tái cơ cấu tổ chức tín dụng, NSNN, CPH, thoái vốn DNNN...). Áp lực lạm phát và tỷ giá còn lớn. Thâm hụt NSNN (tính cả trả nợ gốc) vẫn ở mức cao. Năng lực cạnh tranh chưa cải thiện nhiều, năng suất lao động thấp.

Về rủi ro bên ngoài, tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, ảnh hưởng đến kinh tế, TM, đầu tư, chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Năm 2019, dự báo kinh tế thế giới giảm mức tăng trưởng, dừng ở mức trên 3%, thấp hơn năm 2018 0,2%. Nếu chiến tranh TM Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, có thể xuống tới 3% hoặc 2,9%...

Với những điểm sáng tích cực và thách thức như vậy, năm 2019, chúng ta đã đề ra một số chỉ tiêu và phát triển KT-XH: Tăng trưởng GDP đạt 6,6 - 6,8%; lạm phát bình quân khoảng 4%; XK tăng 7 - 8%; nhập siêu/XK ở mức dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội từ 33 - 34% GDP; tỷ lệ KCN, KCX đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 89%...

Ông đánh giá như thế nào về thị trường BĐS Việt Nam năm 2018?

Tổng quan thị trường BĐS Việt Nam trong năm 2018, tăng mạnh về số DN thành lập mới, 11 tháng đầu năm, có 6.423 DN kinh doanh BĐS thành lập, tăng 41,7% so cùng kỳ. Quy mô vốn tăng mạnh, từ mức 20 tỷ đồng đã tăng lên 69 tỷ đồng trong năm 2018. Tính minh bạch thông tin đang được cải thiện với số DN BĐS niêm yết tăng từ 11 DN lên 65 DN. Lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm 2018 của DN BĐS niêm yết tăng 51%.

Các phân khúc của thị trường, phân khúc căn hộ trung cấp tăng mạnh, phân khúc bình dân không tăng tại Hà Nội và giảm tại TP. HCM. Lượng giao dịch căn hộ tại Hà Nội tăng 5%, nhưng lại giảm ở TP. HCM 11%. Giá thuê văn phòng tại TP. HCM tăng mạnh từ 12 - 17%, do thiếu nguồn cung, nhất là hạng A, giá thuê tại Hà Nội tăng nhẹ từ 2 - 4%, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội tăng từ 5 - 7%. BĐS nghỉ dưỡng có dấu hiệu dư cung ở một vài nơi như Nha Trang, trong khi cán cân cung - cầu lại khá cân bằng tại Đà Nẵng, Phú Quốc, Hạ Long...

Tín dụng BĐS và xây dựng tại Việt Nam, theo NHNN, tổng dư nợ cho vay đầu tư và kinh doanh BĐS đến hết năm 2018, dự tính đạt khoảng 520.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 7,5% tổng dư nợ. Dư nợ tín dụng kinh doanh BĐS và xây dựng chiếm khoảng 16,8% tổng dư nợ. Tín dụng tiêu dùng hết tháng 9/2018, chiếm 18% tổng dư nợ, trong đó dư nợ cho vay sửa, mua nhà, thuê nhà chiếm khoảng 1/3 số này (tương đương 6,2% tổng dư nợ). Tổng tín dụng BĐS, xây dựng và liên quan đến mua sửa thuê nhà chiếm khoảng 23% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế. Về bảo lãnh BĐS theo Luật Kinh doanh BĐS, đã có 42 NHTM đủ điều kiện cấp bảo lãnh, một số dự án đã được bảo lãnh.

Kinh tế Việt Nam: Trước tác động từ chiến tranh thương mại - Hình 1

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV Việt Nam

Xin ông cho biết, chiến tranh TM Mỹ - Trung có tác động ra sao đối với nền kinh tế và thị trường BĐS Việt Nam?

Chiến tranh TM Mỹ - Trung, có những tác động trực tiếp tới Việt Nam. TM, kinh tế toàn cầu giảm (dự báo, GDP Trung Quốc giảm 0,5%, GDP toàn cầu giảm 0,2% năm 2019) sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến XK của Việt Nam, nhất là thị trường Trung Quốc, bởi đây là thị trường XK lớn thứ 3 của Việt Nam. 

Giá hàng hóa NK từ Mỹ, Trung Quốc có thể tăng lên, sẽ dẫn đến tăng chi phí cho DN và áp lực lạm phát đối với Việt Nam, theo tính toán, giá các mặt hàng có thể tăng 1 - 3% nhập từ thị trường này. 

Tác động tiếp theo đó là liệu Mỹ có đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi tiến tới áp phòng vệ TM đối với Việt Nam hay không? Điều này, sẽ phải căn cứ vào các điều kiện: Thặng dư đáng kể cán cân TM với Mỹ trên 20 tỷ USD; can thiệp một chiều, nhiều lần mua ròng ngoại tệ (ít nhất 2% GDP trong 12 tháng vừa qua); thặng dư đáng kể tài khoản vãng lai (ít nhất 3% GDP).

Cuộc chiến này, cũng có những tác động gián tiếp đến chúng ta. Việt Nam có thể tranh thủ cơ hội XK sang Mỹ (chủ yếu hàng tiêu dùng), nhưng DN Việt có tận dụng được hay không? Mỹ có thể áp thuế cao đối với một số mặt hàng đã áp thuế cao đối với Trung Quốc như thép, nhôm. Trung Quốc có điều chỉnh chính sách đa dạng hóa, đẩy mạnh XK sang nước khác, gồm cả Việt Nam, có thể cả “đội lốt” khiến cạnh tranh khốc liệt hơn. Trung Quốc dùng công cụ tiền tệ, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, điều chỉnh tỷ giá... sẽ tác động nhất định đến tỷ giá của Việt Nam. Các nhà đầu tư lo ngại rủi ro tăng nên điều chỉnh danh mục đầu tư, cả trực tiếp và gián tiếp - sẽ tác động đến chuỗi cung ứng, dòng vốn FDI, thị trường chứng khoán và thị trường BĐS của Việt Nam.

Tuy dòng vốn đầu tư gián tiếp vào các thị trường mới nổi giảm, nhưng rất may Việt Nam là nước mới nổi duy nhất không bị giảm nguồn vốn đầu tư gián tiếp, vì tiềm năng phát triển tốt, giá cả chứng khoán hợp lý.

Đối với thị trường BĐS Việt Nam, chiến tranh TM Mỹ - Trung, sẽ cho chúng ta nhiều thuận lợi hơn là khó khăn. Các nhà đầu tư dịch chuyển cơ sở sản xuất, kinh doanh, cùng với đó sẽ là nhu cầu BĐS CN, nhà ở và dịch vụ đi kèm. Dịch chuyển dòng vốn đầu tư gián tiếp như chứng khoán, mua cổ phần, M&A... sẽ khiến đầu tư vào DN kinh doanh, dự án BĐS, thị trường bán lẻ tăng do có nhiều tiềm năng tốt. 

Bước sang năm 2019, theo ông, các DN BĐS cần phải làm gì để tận dụng được cơ hội và ứng phó với những thách thức?

Theo tôi, các DN BĐS cần xây dựng và thực thi chiến lược kinh doanh trong bối cảnh CMCN 4.0 như ứng dụng chuỗi khối blockchain, đây là một nền tảng quan trọng. Mặt khác, tăng cường hợp tác, liên kết, xây dựng và thực thi chiến lược kinh doanh trong bối cảnh hội nhập và CMCN 4.0. Cần chuẩn hóa nguồn nhân lực, gồm cả lãnh đạo, nhân viên, môi giới, kinh doanh...; tăng năng xuất lao động, nâng cao chất lượng quản trị DN, quản lý rủi ro. Phải chủ động nắm bắt, theo dõi diễn biến chiến tranh TM Mỹ - Trung và hội nhập để có thể tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức.

2019 - theo tôi sẽ là năm của kinh doanh số và năng suất lao động, bởi năng suất lao động của chúng ta hiện nay rất thấp…

Trân trọng cảm ơn ông!