ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo UBND xã Hiếu, qua kiểm tra, tại thôn Kon Plông, tổng diện tích lúa nước bị ảnh hưởng đo đếm được là hơn 6ha, nằm ở khu vực hạ lưu và hai bên hành lang tuyến kênh thông hồ. Tại thôn Vi Glơng, diện tích lúa nước bị ngập úng và vùi lấp do tắc cống tràn đập lòng hồ 3 và đường công vụ sạt lở là gần 3ha. Tại thôn Kon Plinh, do thay đổi dòng chảy của sông Đắk Re, khu dân cư và các điểm trường, cầu treo dân sinh có nguy cơ bị sạt lở cao. Phần diện tích lúa nước của người dân bị ảnh hưởng đo đếm được là 1,9ha. 

UBND xã Hiếu cho biết thêm, có tổng cộng 73 hộ ở 3 thôn nói trên bị ảnh hưởng, đối với diện tích đất lúa bị vùi lấp nằm ngoài khu vực thu hồi chuyển mục đích sử dụng để xây dựng công trình, UBND xã đã đề nghị chủ đầu tư thủy điện khắc phục trả lại hiện trạng đất ban đầu cho nhân dân canh tác; đối với ao cá, đất ruộng, rẫy không phắc phục được thì công ty có phương án bồi thường, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân. 

Ông A Lơng (xã Hiếu) cho biết, khoảng từ tháng 10-2020, khi san ủi để thi công hạng mục thủy điện, nước chảy xuống làm sạt lở khoảng 1 sào đất ruộng khiến gia đình không thể sản xuất được. Gia đình ông đã báo vụ việc lên xã. Đến nay, phía công ty vẫn chưa đền bù cho gia đình ông.

Được biết, Thủy điện Đắk Re do Công ty CP thủy điện Thiên Tân làm chủ đầu tư, công suất 60MW, tổng mức đầu tư dự án hơn 3.000 tỷ đồng, xây dựng tại 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi. Dự án chiếm rất nhiều diện tích đất, bao gồm cả đất rừng.

Cụ thể, từ năm 2016 đến năm 2019, UBND tỉnh Kon Tum đã có ít nhất 3 quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất và cho Công ty CP thủy điện Thiên Tân thuê đất để xây dựng. Chỉ riêng Quyết định 239 (năm 2016) thì diện tích thu hồi chuyển mục đích là hơn 153ha. Trong đó, đất rừng sản xuất là hơn 95ha do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông quản lý); Đất rừng phòng hộ là hơn 7,6ha do Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham quản lý. Đến nay, các hạng mục thủy điện ở xã Hiếu đã xây dựng xong gồm đập chính, lòng hồ 1, đường hầm dẫn nước về nhà máy...

Thùy Linh