Trước khi vào phiên xử, một số phóng viên đã đăng ký tham gia phiên tòa. Tuy nhiên, sau khi bước vào phiên xử chủ tọa phiên tòa đã thông báo một số phóng viên không đủ điều kiện để tác nghiệp vì chưa có thẻ nhà báo.

Kon Tum: Phóng viên bị “cản trở” tác nghiệp tại phiên Tòa xét xử công khai - Hình 1

Phóng viên đã "bị mời ra ngoài" vì không có thẻ nhà báo (ảnh do người dân cung cấp)

Theo đó, chủ tọa phiên tòa đã viện dẫn điều 25 Luật Báo chí năm 2016 và điều 4, thông tư số: 01/2014/TT-CA của TAND Tối cao quy định phóng viên tác nghiệp tại tòa công khai phải có “thẻ nhà báo và giấy giới thiệu” để không đồng ý cho một số phóng viên tác nghiệp.

Cụ thể phóng viên Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh cung cấp giấy giới thiệu; phóng viên Báo Thương Hiệu và Công Luận cung cấp giấy giới thiệu và chứng minh thư nhân dân. Ngay sau đó, Vị chủ tọa phiên tòa đã mời hai PV này ra khỏi phiên tòa và yêu cầu phải xóa đi những hình ảnh đã ghi lại trước đó. Riêng phóng viên Trần Quang Mẫn (Đài Truyền thanh- Truyền hình tỉnh Kon Tum) được chủ tọa thông báo là có đầy đủ điều kiện và được phép tác nghiệp tại tòa.

Theo hồ sơ vụ án, Phan Tiến Dũng là cán bộ của Ban Quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy, đã để Lê Quốc Khánh cùng Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Văn Thụ, Nguyễn Ngọc Bình (ngụ xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) vào rừng cưa cây gỗ đã chết khô.

Khi bị phát hiện, nhóm cưa cây cùng chạy về nhà, sau đó ra đầu thú và bị bắt tạm giữ 9 ngày; riêng Dũng được tại ngoại. Theo kết quả giám định, cây mà nhóm Khánh cưa là gỗ trắc đã chết khô. Riêng khúc gỗ mà nhóm lấy có khối lượng 0,123 m3, trị giá hơn 19 triệu đồng.

Kon Tum: Phóng viên bị “cản trở” tác nghiệp tại phiên Tòa xét xử công khai - Hình 2

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm tháng 3/2017

Tháng 9/2016, TAND huyện Đắk Hà xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Lê Quốc Khánh 15 tháng tù; Nguyễn Văn Bảy 14 tháng tù; Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Văn Thụ và Phan Tiến Dũng mỗi bị cáo 12 tháng tù cùng về tội “Trộm cắp tài sản”.

Các bị cáo cùng kháng cáo và cho rằng mình chỉ phạm tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” hoặc có hành vi khác vi phạm các quy định của nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng chứ không phạm tội “Trộm cắp tài sản”.

Đến tháng 3/2017 TAND tỉnh Kon Tum xét phúc thẩm và tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại cho công an huyện Đăk Hà để điều tra bổ sung.

Sau khi ban hành, Thông tư số: 01/2014/TT-CA đã vấp phải phản ứng của báo giới về một số quy định gây khó, gây cản trở phóng viên tác nghiệp. Trong đó có quy định phóng viên tác nghiệp tại tòa phải có “thẻ nhà báo và giấy giới thiệu”. Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tư pháp - ông Hà Hùng Cường cho rằng thông tư 01-2014 là “giấy phép con” rào cản đối với báo chí và không cần thiết. Bộ Tư Pháp đã phát hiện ra và góp ý.

Trường hợp phóng viên chưa được cấp thẻ nhà báo, tuy trong Luật không quy định cụ thể, nhưng thực tế thì cơ quan báo chí có thể cấp giấy giới thiệu để phóng viên đi tác nghiệp. Việc không chấp nhận giấy giới thiệu hợp pháp, với mục đích tác nghiệp hợp pháp, là hành vi cản trở báo chí hoạt động. Vấn đề này đã được điều chỉnh bởi quy định tại khoản 12, Điều 9 Luật Báo chí, nghiêm cấm cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

 Kim Yến