Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Sở Công thương, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, UBND các huyện, thành phố theo thẩm quyền quản lý chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo các cơ sở, sản xuất kinh doanh tăng cường công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động tại các cơ sở, sản xuất kinh doanh.
Tại các địa phương ở mức nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ: thực hiên xét nghiệm sàng lọc đối với tất cả các trường hợp người lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sốt, khó thở... hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan; không thực hiện đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 06 tháng (nếu có, chỉ khuyến khích, không bắt buộc).
Đồng thời, về kỹ thuật xét nghiệm và chế độ báo cáo: kỹ thuật xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên; kết quả xét nghiệm phải được báo cáo ngay cho Trung tâm Y tế tuyến huyện nơi cơ sở, sản xuất kinh doanh đóng chân (trong khoảng 02 giờ sau khi kết thúc ngày xét nghiệm và báo cáo ngay sau khi phát hiện có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2).
Bên cạnh đó, các cơ sở, sản xuất kinh doanh nếu tự xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 thì phải được hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hoặc Trung tâm Y tế các huyện, thành phố. Test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 phải thuộc danh mục đã được cấp số đăng ký lưu hành hoặc cấp giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế. Thủ trưởng cơ sở, sản xuất kinh doanh chịu trách nhiệm về chất lượng test nhanh kháng nguyên, quy trình và kết quả xét nghiệm.
Ngoài ra, giao Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện và tiến hành xử lý ngay, đúng quy định khi nhận được báo cáo kết quả xét nghiệm có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
PV