Kon Tum nỗ lực thực hiện quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị
Kon Tum nỗ lực thực hiện quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị. (Ảnh: internet)

Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 40%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 0,77 - 1,0%. Toàn tỉnh có 11 đô thị, trong đó: 01 đô thị loại II (thành phố Kon Tum), 03 đô thị loại IV (huyện Ngọc Hồi, thị trấn Đăk Tô, thị trấn Đăk Hà), 07 đô thị loại V (gồm 04 đô thị hiện hữu: thị trấn Đăk Rve, thị trấn Măng Đen, thị trấn Sa Thầy, thị trấn Đăk Glei; thành lập mới 03 đô thị tại trung tâm các huyện: Kon Rẫy, Tu Mơ Rông, Ia H’Drai).

100% các đô thị có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị. Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11 - 16%. Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6 - 8 m2. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt trên 24 m2. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình tại đô thị; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh; tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.

Mục tiêu đến năm 2030: Tỷ lệ đô thị hóa đạt tối thiểu 45%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt trên 1,0%. Toàn tỉnh có từ 11 đến 13 đô thị, trong đó: 01 đô thị loại II (thành phố Kon Tum), 04 đô thị loại IV (thị xã Ngọc Hồi, thị trấn Đăk Tô, thị trấn Đăk Hà, thị trấn Sa Thầy), 06 đến 08 đô thị loại V (thị trấn Đăk Rve, thị trấn Măng Đen, thị trấn Đăk Glei, thị trấn Kon Rẫy, thị trấn Tu Mơ Rông, thị trấn Ia H’Drai; dự kiến thành lập mới từ 01 đến 02 đô thị loại V tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy và tại xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei).

Tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu (đối với các khu vực trong thành phố, thị xã và đô thị mới) các đô thị đạt 100%. Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt trên 16%. Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 8 - 10m2. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 30m2. Phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động tiên tiến nhất; tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%.

Tầm nhìn đến năm 2045: Tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình của cả nước. Hệ thống đô thị có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ môi trường; kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn.

UBND tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ cần triển khai gồm:

Thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền liên quan đến đô thị hóa và phát triển đô thị; kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững đảm bảo đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan trong việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật các cơ chế chính sách liên quan về quy hoạch, xây dựng, quản lý với phát triển bền vững đô thị; các nhiệm vụ, đề án chuyên ngành đảm bảo đảm bảo tính tầng bậc, liên tục và thống nhất. Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững. Rà soát, phủ kín quy hoạch chung, quy hoạch phân khu tại các đô thị hiện có và đô thị mới. Nghiên cứu, lập và phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc và quy hoạch không gian ngầm tại các đô thị.

Tổ chức rà soát, điều chỉnh hoặc lập, thẩm định, phê duyệt chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và chương trình phát triển đô thị từng đô thị; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các đô thị và cải tạo, chỉnh trang các đô thị hiện có; hình thành mới các trục không gian cảnh quan kiến trúc đặc thù của đô thị; bảo tồn tôn tạo khu vực công trình kiến trúc có giá trị; phát triển các không gian công cộng đô thị.

Quản lý thị trường bất động sản, đầu tư phát triển đảm bảo an sinh nhà ở, kiểm soát và sử dụng hiệu quả giá trị gia tăng từ đất khi hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng và khai thác quỹ đất phụ cận để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển đô thị; xây dựng vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành gắn với nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức về quản lý đô thị của địa phương; triển khai và đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh.

Cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng, cải tạo nhà ở phù hợp với quy hoạch đô thị và quy chế quản lý kiến trúc đô thị; Ưu tiên bố trí ngân sách phù hợp, kết hợp với huy động nguồn lực từ xã hội để thực hiện các nhiệm vụ phát triển đô thị, nhất là nguồn lực phát triển các dịch vụ xã hội cơ bản tại đô thị như dịch vụ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khoẻ; nâng cấp hạ tầng và hoàn thiện hệ thống quản lý tình huống khẩn cấp, tăng cường năng lực phòng, chống và giảm thiểu thiên tai, dịch bệnh tại các đô thị.

PV