GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%
Ngành công nghiệp chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế (Ảnh minh họa)

GDP tăng 5,64%

Theo đó, GDP quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,28%; khu vực dịch vụ tăng 4,30%. Về sử dụng GDP quý II/2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,18% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 6,05%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 29,81%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 28,53%.

Tính chung, GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khá so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa đông xuân tăng cao, ngành chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản chủ yếu đều tăng khá. Cụ thể, ngành nông nghiệp tăng 3,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 4,24% của 6 tháng đầu năm 2011 trong giai đoạn 2011 - 2021, đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,98% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,25%, cao hơn mức tăng 2,42% của 6 tháng đầu năm 2020, đóng góp 0,11 điểm phần trăm.

Ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tốc độ tăng 9,13% của 6 tháng đầu năm 2019 nhưng cao hơn tốc độ tăng 2,91% của 6 tháng đầu năm 2020, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 11,42%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011 - 2021, đóng góp 2,9 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,16%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 6,61%, làm giảm 0,25 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 7,3% và khí đốt tự nhiên giảm 12,5%. Ngành xây dựng tăng 5,59%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 4,54% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2014 - 2021, đóng góp 0,37 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ, hệ thống nhà hàng và cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương để phòng chống dịch bệnh. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,48% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2021.

DN thành lập mới tăng 8,1%

Trong 6 tháng đầu năm 2021, số DN đăng ký thành lập mới đạt 67,1 nghìn DN, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,3% về vốn đăng ký. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động đạt 93,2 nghìn DN, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2020; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2%.

Trong tháng 6/2021, cả nước có 11,3 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 164,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 71,9 nghìn người, giảm 2,5% về số DN, tăng 9,1% về vốn đăng ký và giảm 0,4% về số lao động so với tháng 5/2021. Đồng thời, cả nước có 4.867 DN quay trở lại hoạt động, giảm 0,5% so với tháng trước và giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước; có 3.867 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 13,7% và tăng 20,2%; 5.238 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 23,7% và tăng 36,3%; 1.919 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 50% và tăng 40,3%.

“Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II/2021 vẫn ghi nhận đánh giá tích cực khi có 68,2% số DN nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2021 so với quý I/2021 tốt lên và giữ ổn định”, Tổng cục Thống kê thông tin.

Trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN quý II/2021, có 52,7% số DN cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; 49,3% số DN cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 32,1% số DN cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 27,3% số DN cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu; 26,7% số DN cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 25,8% số DN cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp; 22,2% số DN cho rằng lãi suất vay vốn cao; 19,5% số DN cho rằng tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao; 19% số DN cho rằng thiết bị công nghệ lạc hậu.

Về khối lượng sản xuất, có 34,1% số DN đánh giá khối lượng sản xuất của DN quý II/2021 tăng so với quý I/2021; 35,7% số DN cho rằng ổn định và 30,2% số DN đánh giá khối lượng sản xuất giảm. Xu hướng quý III/2021 so với quý II/2021, có 40% số DN dự báo khối lượng sản xuất tăng; 20,8% số DN dự báo giảm và 39,2% số DN dự báo ổn định.

Về đơn đặt hàng, có 29,6% số DN có đơn đặt hàng quý II/2021 cao hơn quý I/2021; 40,4% số DN có số đơn đặt hàng ổn định và 30% số DN có đơn đặt hàng giảm. Xu hướng quý III/2021 so với quý II/2021, có 37,1% số DN dự kiến có đơn hàng tăng lên; 21% số DN dự kiến đơn hàng giảm và 41,9% số DN dự kiến có đơn hàng ổn định.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý II/2021 so với quý I/2021, có 27% số DN khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 43,7% số DN có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 29,3% số DN có đơn hàng xuất khẩu mới giảm. Xu hướng quý III/2021 so với quý II/2021, có 32,8% số DN dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 20,6% số DN dự kiến giảm và 46,6% số DN dự kiến ổn định.

Đời sống của nhân dân nhìn chung vẫn được giữ ổn định
Đời sống của nhân dân, người lao động nhìn chung vẫn được giữ ổn định (Ảnh minh họa)

An sinh xã hội ổn định

Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở một số địa phương nên tình hình lao động, việc làm quý II/2021 chịu ảnh hưởng, lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm so với quý trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều tăng. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, lao động đang làm việc trong nền kinh tế vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm và thu nhập của người làm công hưởng lương tăng.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song các địa phương vẫn tiếp tục phấn đấu thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân vừa phục hồi và phát triển KT-XH. Đồng thời các địa phương triển khai nhiều hình thức tạo việc làm, trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, trợ cấp cho người dân trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh. Vì vậy, đời sống của nhân dân nhìn chung vẫn được giữ ổn định.

Về công tác giáo dục, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát vào đúng thời điểm các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên đang chuẩn bị kết thúc năm học. Trước tình hình đó, các địa phương đã chủ động, kịp thời chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học để vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa hoàn thành năm học 2020 - 2021.

Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là 6.906 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ cho các đối tượng người có công, thân nhân người có công là 2.540,9 tỷ đồng, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 1.354,7 tỷ đồng; hỗ trợ cứu đói và các đối tượng bảo trợ xã hội là 1.958,4 tỷ đồng; hỗ trợ các đối tượng khác là 1.052 tỷ đồng. Có hơn 30 triệu thẻ bảo hiểm xã hội/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.

Theo bà Hương: “Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, bức tranh KT-XH Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 tiếp tục duy trì ổn định và đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực là do sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt và rất sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng DN và nhân dân cả nước…”.

Bùi Quyền