Nền kinh tế Việt Nam có sức chống chịu cao
Nền kinh tế Việt Nam có sức chống chịu cao

Diễn biến dịch phức tạp

Đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư bắt đầu từ cuối tháng 4/2021 đã làm số ca nhiễm tăng mạnh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở Việt Nam năm ngoái. Các biến chủng mới dễ lây lan của vi-rút SARS-CoV-2 đã gây ra hàng trăm trường hợp dương tính mỗi ngày vào cuối tháng 5. Đây là tỷ lệ mắc thấp theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng lại là cao nhất từng được ghi nhận ở Việt Nam.

Để ứng phó với dịch bệnh, các cơ quan chức năng đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế di chuyển ở các tỉnh thành bị ảnh hưởng, trong đó có cả 3 thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Chính quyền cũng đã phải đóng cửa một số nhà máy và khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, hai trung tâm công nghiệp quan trọng ở miền Bắc, cũng là tâm điểm của đợt bùng phát dịch này.

Tất cả các chỉ số di chuyển chính đều giảm mạnh trong tháng 5 khi các biện pháp hạn chế được áp đặt để kiểm soát đợt bùng phát dịch thứ tư. Các trung tâm giao thông công cộng chứng kiến sự suy giảm mạnh nhất, tiếp đến là các địa điểm bán lẻ và giải trí như nhà hàng do Chính phủ yêu cầu đóng cửa nhiều dịch vụ trong nhà. Các doanh nghiệp khuyến khích người lao động làm việc tại nhà cũng khiến chỉ số di chuyển tại nơi làm việc giảm.

Việt Nam tiếp tục chậm hơn so với hầu hết các quốc gia trên thế giới trong nỗ lực tiêm chủng vì chỉ có 0,03% dân số đã được tiêm hai mũi vắc-xin tính đến ngày 5/6. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã đẩy mạnh việc mua vắc-xin COVID-19 từ nhiều nhà cung cấp, và đang xem xét hợp tác với các công ty nước ngoài để sản xuất vắc-xin này tại Việt Nam.

Khả năng chống chịu cao trong sản xuất

Sản xuất công nghiệp trong tháng 5/2021 ước tính tăng 1,6% (so với tháng trước) và 11,2% (so với cùng kỳ năm trước) mặc dù đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến xấu trong thời gian gần đây.

Chỉ số PMI đạt mức 53,1 trong tháng 5, cho thấy điều kiện kinh doanh cải thiện so với tháng trước, mặc dù thấp hơn so với mức 54,7 vào tháng 4. Tuy nhiên, những con số trung bình này có thể không cho thấy sự khác biệt giữa các địa phương, vì hoạt động bị gián đoạn tại các nhà máy ở Bắc Giang và Bắc Ninh chắc chắn đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của một số sản phẩm điện tử, từ đó có thể làm giảm sản lượng trong những tuần tới. Trên thực tế, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tại Bắc Giang giảm 40,9% (so với tháng trước) và 33,3% (so với cùng kỳ năm trước) trong tháng 5/2021, trong khi chỉ số sản xuất hàng điện tử giảm 53,6% (so với tháng trước) và 46,9% (so với cùng kỳ năm trước). Cần lưu ý là chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam hàng tháng dựa trên dữ liệu thu thập đến ngày 15 hàng tháng, trong khi các cơ quan chức năng dự báo giá trị cho nửa cuối của tháng.

Sau sự phục hồi ngắn vào tháng 4, doanh số bán lẻ đã giảm trở lại ở mức 3,1% (so với tháng trước) trong tháng 5. Sự sụt giảm này do nhu cầu trong nước yếu đi vì Chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế mới nhằm kiểm soát sự bùng phát của dịch Covid-19. Những hạn chế này có tác động không đồng đều giữa các tiểu ngành bán lẻ vì doanh số của ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, giảm 8,9% so với tháng trước, so với hàng hoá (giảm 1,7% so với tháng trước).

Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa giảm lần lượt 6,7% và 9,4% (so với tháng trước) trong tháng 5. Đây là mức sụt giảm xuất khẩu lớn nhất kể từ tháng 6 năm 2020. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa vẫn đạt mức cao nhất mà Việt Nam từng ghi nhận, lần lượt tăng 29,1% và 35,4% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả đáng chú ý này phản ánh sự tăng trưởng vững chắc trong xuất khẩu máy tính, điện tử và máy móc thiết bị. Điều này cũng phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu điện thoại, dệt may và giày dép, lần lượt tăng 19,5%, 16,1% và 27,0% (so với cùng kỳ năm trước) trong 5 tháng đầu năm 2021. Mức tăng trưởng trên diện rộng này được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ từ Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng như nhu cầu đang phục hồi từ EU, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Lạm phát, lãi suất liên ngân hàng tăng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,3% (so với tháng trước), chủ yếu phản ánh tác động của việc tăng giá hàng hóa toàn cầu đến giá cả trong nước. Giá cả hàng hoá tăng trong thời gian gần đây phản ánh quyết định tăng giá nhiên liệu của Chính phủ vào cuối tháng 4 và giữa tháng 5, khiến giá xăng, dầu diesel và dầu hỏa lần lượt tăng 2,1%, 2,8% và 5,1% so với tháng trước. Do thiếu hụt nguồn cung, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kim loại cũng tăng 4,8% so với tháng trước, làm tăng giá nhà ở và vật liệu xây dựng. So với cùng kỳ năm 2020, CPI tăng 2,9% - thấp hơn mục tiêu mà Quốc hội đề ra.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng giảm trong khi lãi suất liên ngân hàng tăng.

Cụ thể, tín dụng tăng trưởng 1,1% (so với tháng trước) vào tháng 5/2021, giảm so với mức 2,0% trong tháng 4. Sự giảm tốc nhẹ này có thể phản ánh các hoạt động kinh tế chậm lại do các biện pháp hạn chế di chuyển và giãn cách xã hội.

Lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn một tháng tăng từ 0,9% trong tháng 4 lên 1,5% vào tháng 5, phản ánh tăng trưởng tiền gửi giảm mạnh hơn tăng trưởng tín dụng và có thể xảy ra khó khăn về thanh khoản. Thị trường chứng khoán tiếp tục tiếp tục tăng trưởng tốt trong bối cảnh đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ tư và tác động của dịch đến các hoạt động kinh tế thực.

Chỉ số VN Index tăng 88,66 điểm, tương đương 7,2% vào tháng 5/2021, củng cố xu hướng tăng được ghi nhận kể từ tháng 4/2020.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm

Ngân sách nhà nước thặng dư khoảng 86 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,7 tỷ đô la Mỹ) trong 5 tháng đầu năm 2021. Tổng thu ngân sách tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cho phép Chính phủ đạt 49,7% mục tiêu của năm chỉ trong 5 tháng. Đồng thời, tổng chi ngân sách giảm 3,7% (so với cùng kỳ năm trước) xuống 581,6 nghìn tỷ đồng, chủ yếu do tiến độ đầu tư công chậm lại (giảm 16,5% so với cùng kỳ năm 2020).

Tỷ lệ giải ngân giảm có thể thấy ở cả cấp trung ương và địa phương và đối với các dự án sử dụng vốn trong nước cũng như dự án sử dụng vốn ODA. Theo Chính phủ, tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào khiến giá cả tăng cao là một trong những nguyên nhân góp phần làm chậm tiến độ triển khai các dự án đầu tư công.

Trong tháng 5, Kho bạc Nhà nước đã phát hành 44,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu trên thị trường trong nước. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng giá trị vay nợ trong nước của Chính phủ đạt 109,7 nghìn tỷ đồng (4,7 tỷ USD), bằng 31,3% kế hoạch năm 2021. Vào cuối tháng 5/2021, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm là 2,27%, thấp hơn khoảng 9 điểm cơ bản so với cuối tháng 4, đảo ngược xu hướng tăng chi phí vay vốn được thấy từ tháng 1/2021.

Theo World Bank, mặc dù nền kinh tế dường như đã phát triển tương đối tốt trước đợt bùng phát dịch thứ tư, nhưng một số dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế sẽ chậm lại nếu đại dịch không được kiểm soát trong ngắn hạn. Hầu hết các chỉ số di chuyển, đặc biệt là ở các trung tâm đô thị lớn, đã giảm mạnh và đã xuất hiện một số áp lực lên chuỗi giá trị của các ngành chiến lược (điện tử và xây dựng). Vị thế kinh tế đối ngoại của Việt Nam cũng có thể bị giảm nhẹ với sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và cam kết vốn FDI.

 Bùi Quyền