Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (GEP) mới nhất, WB cho biết đây là tốc độ phục hồi hậu suy thoái nhanh nhất trong 80 năm trở lại đây. Tuy nhiên, WB cảnh báo rằng nhiều nước, đặc biệt là các nước nghèo, đang bị bỏ lại đằng sau và sẽ mất nhiều năm để trở lại mức tăng trưởng trước khi bùng phát dịch.
Chủ tịch WB David Malpass cho biết, tăng trưởng trở lại trong ngắn hạn có thể không bù đắp được thực tế là đại dịch đã ảnh hưởng lớn đến các nước nghèo nhất và tác động nhiều hơn đến các nhóm dễ bị tổn thương. Do đó, cần phối hợp các nỗ lực toàn cầu để đẩy nhanh việc phân phối vaccine và giảm nợ, đặc biệt cho các nước có thu nhập thấp.
Trong khi lạm phát không phải là một tác nhân chính, việc giá cả tăng cao đang đặt ra một thách thức khác đối với các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt tại các thị trường đang nổi, khi tìm cách lập lại trật tự của các nền kinh tế quốc gia và quản lý mức nợ công vốn cũng đang tăng.
Trong báo cáo, WB đã cắt giảm dự báo tăng trưởng ở khoảng 40% thị trường đang nổi và các quốc gia đang phát triển, nếu không tính đến sự "bật nảy" của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc thì các nước này sẽ chỉ tăng trưởng 4,4%.
Báo cáo cũng cắt giảm dự báo đối với các nước có thu nhập thấp trong năm nay và năm 2022 với kỳ vọng chỉ tăng trưởng 2,9%, mức thấp nhất trong 2 thập kỷ nếu không tính năm 2020. WB cảnh báo, trước cuối năm nay, hơn 100 triệu người sẽ rơi trở lại ngưỡng cực nghèo.
PV