Người dân bản Sê Sáp rất trẻ
Người dân bản Sê Sáp thân tình ấm áp

Bản Sê Sáp chỉ chừng hơn 50 hộ dân, dân số khoảng trên 150 người, đa số còn trẻ. Ông thôn trưởng tên Nhiep, tuổi chỉ hơn 30 (sinh năm 1988), ông cho biết: Nghe thông tin có đoàn cán bộ Việt Nam lên thăm tết, bà con mình mừng lắm, cả bản đều chờ đợi ngày này…

Thôn trưởng Cu Nhiep chỉ hơn 30 tuổi, đang té nước chúc mừng đoàn
Thôn trưởng Nhiep chỉ hơn 30 tuổi, đang té nước chúc mừng đoàn.

Cái tết Bum Pi May trên đỉnh núi Am Pạc của dãy Trường Sơn mà bà con Sê Sáp tổ chức không rượu thịt ê hề, không vật con heo, con dê như những nơi tôi đã từng qua mà chỉ là mấy “đặc sản” của dân bản như mía, sắn, xôi hoong, cá nướng, su su luộc, dưa hành, dưa môn, dưa muối… và nụ cười, hết. Vậy mà “chất chứa bao ân tình” như chị Nguyễn Thị Ái Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhận xét.

Đặc sản mừng tết Bum Pi May chỉ thêm thùng bia do BVTW Huế gửi tăng
Đặc sản mừng tết Bum Pi May chỉ thêm thùng bia do Bệnh viện TW Huế gửi tăng.
... nhưng rất thân tình, ấm áp
... nhưng rất thân tình, ấm áp.

Người dân Bản Sê Sáp rất khó khăn, ông thôn trưởng Nhiep cho biết thêm. Dù nói là người dân của huyện Kà Lừm nhưng huyện thì xa mà Việt Nam thì gần hơn nên bà con dân bản đều “nhờ” bà con người Việt, từ gạo, cơm, mắm muối đến… sóng điện thoại.

Chị Trần Thị Minh Duyên, người con của A Lưới, sống tại xã Quảng Nhâm cho biết, mấy mươi năm nay chị như con ong cần mẫn, hàng tuần mang gạo, cá khô, nước mắm, đồ gia dụng, có lúc cả bia Huda… lên Đồn Biên phòng Nhâm hoặc Trạm Biên phòng Hồng Thái chờ bà con bản Sê Sáp mang hàng về đổi. Hàng của họ mùa nào thức nấy như mây, đót, ngô hạt, nếp... còn thông thường là đồ nhôm nhựa, sắt thép phế liệu lượm được trong rừng. Ai muốn mua hàng gì thì dặn trước cả tuần để chị mang lên.

Đôi vợ chồng trẻ
Đôi vợ chồng trẻ.

Mùa mưa đúng là khó khăn không thể tả khi các khe suối nước dâng cao, người dân Sê Sáp muốn về mua hàng phải lội suối, vượt ngầm; xe máy thì quấn mấy vòng xích sắt quanh các bánh lốp nếu không thì trượt dài, hết chạy.

Người dân rất khó khăn nhưng chân chất, thật thà
Người dân rất khó khăn nhưng chân chất, thật thà.

Chị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện A Lưới cho biết thêm, trong những năm chiến tranh, người dân bản Sê Sáp ở sâu trong rừng, còn địa điểm này là của người dân Tà ôi, xã Hồng Thái sinh sống. Sau khi hòa bình lập lại, người Tà ôi Hồng Thái về A Lưới định cư, lập làng đến bây giờ. Còn người dân Sê Sáp khi thấy A Lung Dền bỏ trống đã kéo về đây lập làng, bản đến ngày nay.

Những bà mẹ trẻ
Bà mẹ và những trẻ em trong bản.

Bản Sê Sáp là thế, khó khăn, vất vả, hầu như tất cả đều thiếu. Ngay sự học cũng là thử thách rất lớn. Ông Bủa Phăn, một già làng của Sê Sáp cho biết, con em đây chỉ được học tiếng Lào, chữ Lào tuần 02 buổi còn lại là chơi điện thoại. Vì vậy, trẻ em lớn lên chừng 13, 14 tuổi đã lấy chồng, lấy vợ; không có cái ăn nên các bà mẹ trẻ chỉ mới sinh vài ngày đã phải gùi con vào rừng phát nương, làm rẫy; kiếm củ môn, củ mài, con sóc, con chồn… Đàn ông thì ở nhà chăm con, chở hàng đi đổi.

Trường học do tỉnh Thừa Thiên Huế giúp xây dựng
Trường học do tỉnh Thừa Thiên Huế giúp xây dựng.

Chị Nguyễn Thị Ái Vân, Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế trao đổi: Với truyền thống son sắt, thủy chung, cùng chia ngọt sẻ bùi, dù còn khó khăn những tỉnh Thừa Thiên Huế nhiều năm qua luôn quan tâm đến bản Sê Sáp, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào) về y tế, giáo dục, hệ thống cấp nước sạch…

UBMT Tổ quốc tỉnh, Bộ đội Biên phòng, các doanh nghiệp, tổ chức, hội đoàn thể của Thừa Thiên Huế đã xây dựng cho người dân các bộ tộc Lào ở Sê Sáp 13 ngôi nhà, trị giá hơn 200 triệu đồng; 01 Trường tiểu học kết hợp Nhà Văn hóa cộng đồng, 11 nhà hữu nghị, trị giá hơn 1,5 tỉ đồng; hàng năm hỗ trợ cho dân bản về cây giống, con giống trị giá hơn 100 triệu đồng. Bên canh đó các Đồn Biên phòng ở biên giới thường tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con dân bản Sê Sáp; nhận đỡ đầu cho 02 cháu nhỏ gia đình khó khăn với mức 4,5 triệu/cháu/năm…

Người dân bản Sê Sáp nhận quà mừng tết do Đoàn Việt Nam thân tặng
Người dân bản Sê Sáp nhận quà mừng tết do Đoàn Việt Nam tặng.

Đi một vòng quanh bản Sê Sáp, điều đầu tiên tôi nhận thấy là cái nghèo khó bủa vây người dân bản. Thế nhưng với họ, cuộc sống hình như cũng không đòi hỏi nhiều. Miễn sao nhà nào cũng có cái ăn, cái mặc, có điện sáng là quá tốt…. Tết Bum Pi May có thêm chút chất tươi, mở cái loa đài kèm dàn âm ly kẹo kéo cùng hát múa chung điệu Lâm Vông, Lâm thôn… là được rồi.

Họ chia nhau từng điếu thuốc
Họ chia nhau từng điếu thuốc.

… Người Sê Sáp chân tình vậy đó! Họ chia nhau từng điếu thuốc, hàng hóa mà đoàn công tác mang lên tặng mừng tết Bum Pi May họ cũng chia nhau từng chai dầu ăn, hủ muối…. không hề chi li tính toán, chỉ có nụ cười đón khách.

"Cháy" cũng vũ điệu Lâm Vông.

Nhìn các anh chị nguyên trưởng các ban của Hội đồng nhân dân, cán bộ Tỉnh ủy như Nguyễn Thái Sơn, Đoàn Thị Thanh Huyền, Nguyễn Thị Ái Vân, Trần Thị Mai…; Các bác sĩ Hoàng Thị Lan Hương, Nguyễn Thanh Sơn…; chị Phan Minh Nguyệt Phó giám đốc Sở LĐTB&XH, chị Quỳnh Tường Phó chủ tịch Hội Phụ nữ, chị Đặng Thị Dương chủ tịch Hội Nữ doanh nhân… như quên hết chức vụ mà hòa chung với cả đoàn công tác, cùng múa, hát “cháy” hết mình với người dân bản Sê Sáp không biết mệt mỏi phải nói là tình hữu nghị Việt- Lào khó mà đong đếm được.

Chị Ái Vân, Phó chủ tịch HĐND tỉnh (đứng) và chị Kê Sửu (ngồi) Chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội thăm hỏi và
Chị Ái Vân, Phó chủ tịch HĐND tỉnh (đứng) và chị Kê Sửu (ngồi) Chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội thăm hỏi và "lì xì" mừng năm mới cho trẻ em dân bản.

Chia tay người dân bản Sê Sáp, chia tay các chiến sĩ Biên phòng đang ngày đêm gác chắn tại núi rừng A Lưới, chia tay Trường Sơn Tây đang nắng cháy da người, chúng tôi về lại Huế, phía Đông Trường Sơn đang đón những cơn mưa lất phất. Tôi biết, không ai quên được chuyến đi. Tình cảm của người dân các bộ tộc Lào, hình ảnh các chiến sĩ Biên phòng luôn đeo bám theo hành trang của mỗi người trên đường công tác.

Tôi thao thức vì những tin nhắn của các anh, chị bay đến. Với chị Đặng Thị Dương “Ui da, nhớ A Lưới, nhớ bản Lào, nhớ thương người nghèo khó… Một chuyến đi ngập tràn cảm xúc”, Bác sĩ Thanh Sơn, giám đốc phòng khám Thanh Sơn “Cám ơn tất cả mọi người, hẹn gặp lại”, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Liễu “Một chuyến đi ý nghĩa và tình cảm, lưu lại biết bao kỷ niệm”… Tôi nhớ lời nhắn nhủ củaTrung tá Trần Bá Phao, Phòng chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh “Cám ơn các anh chị đã đến động viên cán bộ, chiến sĩ Biên phòng và người dân khu vực biên giới. Đây là hoạt động góp phần thực hiện nền Biên phòng toàn dân, đối ngoại nhân dân, đối ngoại biên phòng, bảo vệ vững chắc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc”.

Nụ cười hồn hậu của Hòa thượng Thích Huệ Phước trong suốt chặng hành trình
Nụ cười hồn hậu của Hòa thượng Thích Huệ Phước trong suốt chặng hành trình.

Tôi nhớ mãi nụ cười hồn hậu của Hòa thượng Thích Huệ Phước, đại biểu HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy viên thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Ni cô Thích nữ Liên Trí, Trưởng Ban Từ thiện xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện A Lưới… khi đi thăm hỏi từng người dân bản.

Tôi nhớ mãi, mãi nhớ cái Tết cổ truyền Bum Pi May trên dãy Trường Sơn!

                                                                                                                                           Trần Minh Tích