Đây là một dấu mốc quan trọng nhằm thiết lập nên quá trình hợp tác lâu dài, bền vững và hiệu quả cho tất cả các bên có liên quan.

Lễ ký kết Hợp tác Chiến lược triển khai thực hiện các Dự án Điện gió tại Việt Nam và Ký kết Hợp tác Dự án Kosy Bạc Liêu
Lễ ký kết hợp tác chiến lược triển khai thực hiện các Dự án Điện gió tại Việt Nam và Ký kết Hợp tác Dự án Kosy Bạc Liêu

Trong những năm gần đây, ngành năng lượng tái tạo được biết đến như một chìa khóa thành công trong cuộc cách mạng 4.0 tại Việt Nam. Việc tiếp cận nguồn năng lượng sạch, giảm thiểu chi phí sẽ là yếu tố quan trọng để tăng trưởng kinh tế bền vững. Đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu như đã đặt ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu sẽ phụ thuộc nhiều vào quá trình cải thiện của các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Tính tới thời điểm hiện tại, nhiệt điện than và thủy điện đang chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất điện. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, giai đoạn 2011-2020, xét đến 2030, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu và định hướng phát triển trọng yếu cho năng lượng tái tạo.

Với lợi thế đường biển dài hơn 3.200 km và tốc độ gió trung bình ở biển Đông hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, phát triển năng lượng gió tại Việt Nam có triển vọng rất lớn. Rất nhiều dự án điện gió đã triển khai từ năm 2019 và đồng loạt triển khai mạnh mẽ từ 2020. Mục tiêu về công suất điện gió tại Việt Nam tới năm 2025 là 6.030 MW và tới năm 2030 là 10.090MW.

Hiện nay, cả nước có 9 nhà máy (trang trại) điện gió đang vận hành với tổng công suất 304,6MW, trong đó lớn nhất là trang trại điện gió Bạc Liêu với gần 100MW, nhỏ nhất là nhà máy điện gió Phú Quý 60MW nối lưới độc lập (không nối lưới điện quốc gia) trên đảo Phú Quý (Bình Thuận), còn lại là 7 nhà máy điện gió quy mô công suất dưới 50 MW. Miền Tây Việt Nam là một trong những trung tâm phát triển của ngành năng lượng gió tại Việt Nam với các Dự án: Hoà Bình (Bạc Liêu); Hiệp Thành, Đông Thành, Đông Hải (Trà Vinh), Sóc Trăng 1A-1B, Lạc Hoà, Hoà Đông 2 (Sóc Trăng), Hải Phong, Thạnh Phú, Bình Đại (Bến Tre), Tân Phú Đông (Tiền Giang), Cà Mau 1A-1B-1C-1D, Viên An (Cà Mau), Long Mỹ (Hậu Giang) và Kosy.

Dự án Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu có tổng công suất trên 200 MW, diện tích khoảng 6.600 ha, nằm trên địa bàn huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, do Công ty Cổ phần Điện gió Kosy Bạc Liêu - thành viên của Tập đoàn Kosy triển khai.

Một trong những công ty đi đầu trong lĩnh vực vận chuyển, thi công lắp đặt điện gió là Tập đoàn Đặng Gia (Đặng Gia Corp). Hiện tại Đặng Gia Corp là nhà thầu vận chuyển lắp đặt tại các công trường lớn như B&T Quảng Bình 200MW, Cầu Đất 57MW, Kosy 40MW,… Xuyên suốt quá trình triển khai vận chuyển thiết bị siêu trường siêu trọng (turbine điện gió, bồn chứa khí gas,…), bốc dỡ hàng hóa tại cảng và thi công đóng cọc trên biển (những đầu việc cực kỳ quan trọng khi thi công dự án điện gió ở trên bờ và trên biển), Cảng Quốc tế Long An chính là sự lựa chọn chiến lược của Đặng Gia.

“Với diện tích 147 ha bao gồm 7 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu 30.000 - 70.000 DWT, tổng chiều dài cầu cảng là 1.670m và 4 bến sà lan tiếp nhận sà lan 2.000 tấn, Cảng Quốc tế Long An hội tụ rất nhiều yếu tố thuận lợi cho việc triển khai các dự án lắp đặt điện gió: Diện tích bãi rộng lớn phù hợp cho việc lắp dựng; bên cạnh đó, Cảng Quốc tế Long An đã có kinh nghiệm khai thác các mặt hàng siêu trường, siêu trọng, những mặt hàng đòi hỏi quy trình làm hàng phức tạp; vận chuyển đường thủy thuận lợi đến các trung tâm điện gió trọng điểm của miền Nam tại Bạc Liêu…

Ngoài ra, Ban lãnh đạo Cảng Quốc tế Long An cũng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cũng như cung cấp những  dịch vụ đi kèm tốt nhất cho những dự án điện gió hợp tác cùng chúng tôi. Đó là những lý do quan trọng khiến cho Cảng Quốc tế Long An chính là một trong những đối tác chiến lược của Đặng Gia Corp” - đại diện của Tập đoàn Đặng Gia chia sẻ.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group, chủ đầu tư Cảng Quốc tế Long An
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group, chủ đầu tư Cảng Quốc tế Long An

Phát biểu tại sự kiện, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group, chủ đầu tư Cảng Quốc tế Long An cho biết: “Trong năm 2020, Cảng Quốc tế Long An đã ký kết hợp tác chiến lược với các cảng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tạo điều kiện xúc tiến hợp tác, kết nối phát triển các dịch vụ, khai thác hệ sinh thái của nhau, giúp các doanh nghiệp có thể giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh, tối đa hóa hiệu quả trong hoạt động. Đó chính là nền tảng, mở ra tương lai phát triển lâu dài của Cảng.

Sự kiện ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Đặng Gia nằm trong chiến lược phát triển cốt lõi của Cảng Quốc tế Long An. Tôi tin kết quả của sự hợp tác này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khu vực ngày càng năng động, góp phần đưa vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành một trong những trọng tâm phát triển, hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước, góp phần làm dân giàu, nước mạnh.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang xúc tiến hoàn tất các thủ tục pháp lý xin mở rộng quy mô, để các cầu cảng số 8 và 9 có công suất thiết kế xây dựng đón được tàu có trọng tải lên đến 100.000 DWT, dự kiến sẽ hoàn tất xây dựng đúng tiến độ vào năm 2023-2024; nâng tổng chiều dài liên tục của hệ thống cầu cảng lên đến 2.368m. Quy mô công suất hàng hóa thông quan đạt hơn 80 triệu tấn/năm. Chúng tôi cũng lên kế hoạch xây dựng cầu cảng hàng lỏng, chuyên dụng để phục vụ cho các tàu hoạt động trong lĩnh vực khai thác chuyên chở khí, dầu và các loại hàng lỏng khác, đưa Cảng Quốc tế Long An trở thành một cảng biển đa năng, giàu tiềm lực”.

Một số hình ảnh:

Vận chuyển lô hàng bồn chứa LPG siêu trọng tại Cảng Quốc tế Long An
Vận chuyển lô hàng bồn chứa LPG siêu trọng tại Cảng Quốc tế Long An
Dự án điện gió của Tập đoàn Đặng Gia
Dự án điện gió của Tập đoàn Đặng Gia 
Tập đoàn Đặng Gia xuống hàng tại Cảng
Tập đoàn Đặng Gia xuống hàng tại Cảng

 Anh Minh