Ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng, chiều 4-6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức họp báo nhằm thông báo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Kết quả đánh giá cho thấy, kỳ thi đã diễn ra an toàn và đáp ứng bước đầu yêu cầu đổi mới thi cử.
Đề thi được đánh giá tích cực
Theo Bộ GD&ĐT, năm 2014 thực hiện đổi mới đề thi theo hướng đánh giá năng lực của học sinh, đề thi tăng cường các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi “mở” yêu cầu học sinh sử dụng các kiến thức tổng hợp và hiểu biết xã hội để giải quyết các vấn đề trong học tập và trong thực tế. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Khảo khí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) khẳng định, đề các môn thi được bảo mật an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu. Đề thi có nội dung phù hợp chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT. Đặc biệt, đề thi các môn xã hội gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý có câu hỏi gắn với nội dung bảo vệ chủ quyền biển đảo, cập nhật được những vấn đề thời sự đang được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm. Cách ra đề này được dư luận đánh giá cao, có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân đồng thời phát huy tính tích cực, độc lập, chủ động sáng tạo của thí sinh.
Đề văn nêu vấn đề Trung Quốc ngang nhiên xâm nhập và hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 trái phép ở vùng biển của Việt Nam, có những hành động hung hăng cản phá lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. “Trước tình hình đó, trái tim của hơn 90 triệu người dân Việt Nam ở trong nước, hơn bốn triệu kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới luôn nóng bỏng hướng về Biển Đông, hướng về Hoàng Sa và Trường Sa, dõi theo từng tin tức được truyền đi từ hiện trường vụ việc… Tuy nhiên, trước tình hình hiện nay chúng ta phải bình tĩnh, sáng suốt nhận định những sự kiện đang diễn ra trên Biển Đông để có hành động phù hợp” – đề văn nêu rõ. Từ đó, đề văn yêu cầu thí sinh xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản này cũng như yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn ngắn bày tỏ thái độ về sự kiện trên. Kết thúc môn thi, hầu hết thí sinh cho biết rất ấn tượng với đề văn vì tính thời sự, khơi gợi lòng yêu nước của các em.
Đề thi môn Lịch sử cũng đề cập: “Tại sao Liên hợp quốc xác định một trong những nguyên tắc hoạt động là giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình? Từ nguyên tắc này, hãy liên hệ với việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam hiện nay”. Thí sinh Nguyễn Tiến Đạt, trường THPT Hà Đông (Hà Nội) từng đoạt giải khuyến khích môn Lịch sử cấp thành phố năm 2014, nhận xét: “Đề thi văn và sử cùng đề cập đến chủ quyền biển, đảo, đó là vấn đề nóng bỏng. Qua đó học sinh chúng em - thế hệ thanh niên hiện nay có cơ hội để thể hiện chính kiến, suy nghĩ của mình trước một vấn đề trọng đại của đất nước”.
Đề thi môn Địa lý cũng có hai câu đề cập “vùng biển Việt Nam bao gồm những bộ phận nào? Trình bày tài nguyên khoáng sản và hải sản của vùng biển nước ta?” và “Tại sao cần phải bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù rất nhỏ của nước ta?”. Đánh giá về đề thi môn Địa lý, thầy Trần Văn Quang, Tổ trưởng Địa lý, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo nhiều năm trở lại đây đã xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp. Năm nay, đề thi một lần nữa hướng đến việc giáo dục tư tưởng cho học sinh, truyền cho các em tinh thần tự hào dân tộc và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”. Đề thi được nhiều giáo viên đánh giá là không đánh đố, mang tính thời sự cao, yêu cầu học sinh phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và những hiểu biết trong thực tế.
Đường dây nóng không “nóng”
Tại cuộc họp báo thông báo kết quả kỳ thi, Bộ GD&ĐT cho biết, dù là năm đầu tiên thiết lập đường dây nóng nhằm tiếp nhận phản ánh các vấn đề liên quan đến thi cử nhưng đường dây nóng chưa thật sự “nóng”. Theo đó, cả nước có 321 cuộc gọi và nhắn tin nhưng hầu hết không phản ánh vi phạm. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, toàn quốc có 64 đơn vị tổ chức thi, thành lập 2.352 Hội đồng coi thi, huy động 115.905 cán bộ, giáo viên tham gia và số thí sinh vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật đình chỉ thi là 11(10 học sinh hệ giáo dục thường xuyên và một học sinh hệ THPT), cả nước không có giám thị bị đình chỉ làm công tác thi.
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng GD&ĐT cho biết, công tác coi thi được thực hiện nghiêm túc; các vi phạm quy chế thi được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Công tác chuẩn bị được Bộ GD&ĐT và các địa phương triển khai tích cực, chu đáo. Bộ GD&ĐT ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, chủ động và tích cực của địa phương, nhất là các sở GD&ĐT đã tạo những điều kiện tốt nhất có thể cho kỳ thi. Dự báo về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, ông Hiển nói: “Với việc đổi mới đề thi đáp ứng được nguyện vọng của đa số thí sinh như năm nay, tôi hy vọng, kết quả của kỳ thi này sẽ cao hơn năm ngoái”.
Tại buổi họp báo, nhiều ý kiến phóng viên cũng đề cập vấn đề kỳ thi năm nay có điểm mới là điều chỉnh môn thi, hình thức thi. Số môn thi đã giảm xuống còn bốn môn. Tuy nhiên, ở các môn tự chọn, nhiều môn chỉ có ít số thí sinh đăng ký dự thi sẽ gây lãng phí, tốn kém cho toàn bộ kỳ thi và lâu dài dễ dẫn đến tình trạng học lệch tại cấp THPT. Đây cũng là những vấn đề dư luận còn băn khoăn và hy vọng ngành giáo dục sẽ có giải pháp khắc phục.
Theo Thời Nay