Đóng cửa thị trường, VN-Index tăng 28,59 điểm (tăng 2,34%) lên mức 1.252,23 điểm. HNX-Index cộng 5,77 điểm (tăng 2,52%) lên mức 235,15 điểm.
Trong tuần, nhóm ngành đóng góp tích cực cho đà tăng của thị trường là bất động sản, chứng khoán và nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công… cùng với chỉ đạo từ Thủ tướng: "Khơi thông mọi nguồn lực, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư".
Trên thị trường, Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) chính thức đưa 5,2 triệu chứng chỉ quỹ của Quỹ ETF ABFVN DIAMOND (mã chứng khoán: FUEABVND) vào giao dịch trong ngày 16/8 với giá tham chiếu 9.894,97 đồng (biên độ dao động giá ±20%). Đây là quỹ hoán đổi danh mục (ETF) có thời hạn hoạt động không xác định do Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán An Bình (ABF) quản lý và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam giám sát.
Thị trường ghi nhận các nhà đầu tư nước ngoài đã tích cực mua ròng trong tuần với giá trị 1.073 tỷ đồng trên sàn HOSE và 40 tỷ đồng tại sàn HNX.
Ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho biết xu hướng ngắn hạn của VN-Index đã tích cực hơn. Chỉ số đang lấy lại vùng hỗ trợ tâm lý mạnh 1.250 điểm sau khi phá vỡ đường xu hướng giảm giá (ngắn hạn). Tuy nhiên, VN-Index có thể gặp áp lực chốt lời trong những phiên giao dịch đầu tuần tới, trước khi quay trở lên chinh phục lại kháng cự 1.250 điểm một lần nữa. Tương tự, VN30 khả năng cần điều chỉnh trước khi kiểm tra lại vùng kháng cự quanh 1.290 điểm.
Về trung hạn, ông Nhật cho rằng, VN-Index vẫn dao động trong biên độ rộng từ 1.180-1.300 điểm (từ đầu năm đến nay) và nếu chỉ số vượt lên lại kháng cự quanh 1.250 điểm thì vẫn kỳ vọng xu hướng trung hạn quay trở lại kênh tích lũy 1.250 điểm-1.300 điểm.
“Kết hợp xu hướng ngắn hạn và trung hạn của VN-Index đang hội tụ ở vùng 1.250 điểm, đây là kháng cự rất lớn và không quá dễ dàng để vượt lên bởi nhiều khả năng sẽ gặp lực bán từ lượng hàng tồn đọng trước đó. Do vậy, thị trường rất cần những yếu tố tích cực (rất mạnh) về vĩ mô hỗ trợ,” ông Nhật chia sẻ.
Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt, trong nửa đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến đà rút ròng mạnh của khối ngoại theo xu thế chung của các thị trường cận biên và mới nổi. Điều này bắt nguồn từ sự ngược pha về chính sách tiền tệ giữa Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và đa phần các ngân hàng trung ương khác. Ngoài ra, nền kinh tế Trung Quốc công bố mức tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng và có dấu hiệu giảm phát cộng thêm lĩnh vực bất động sản tiếp tục dò đáy. Những điều này khiến cho niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài về các thị trường chứng khoán tại châu Á bị ảnh hưởng.
Trong khi, các nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn mua ròng với bối cảnh lợi nhuận duy trì xu hướng phục hồi (từ cuối năm 2023 đến quý đầu năm 2024) và mặt bằng lãi suất huy động giảm dưới nỗ lực hỗ trợ chính sách tiền tệ của nhà điều hành.
Nhóm phân tích của Công ty Rồng Việt chỉ ra điều này đã tạo ra mức chênh lệch lợi tức đầu tư giữa thị trường chứng khoán và các kênh đầu tư truyền thống trở nên hấp dẫn hơn so với quá khứ. Vì vậy, thị trường chứng khoán đón nhận lượng nhà đầu tư mới khá lớn trong sáu tháng đầu năm, song hành với đó là dòng tiền lớn dẫn dắt đà tăng của thị trường. Trong dài hạn, vùng điểm hợp lý của VN-Index dự kiến trong vùng 1.236-1.420 điểm, sau khi phản ánh tăng trưởng kết quả kinh doanh cả năm 2024 (so với năm 2023).
Báo cáo phân tích cho rằng với việc điều chỉnh nhanh và mạnh trong nửa đầu của năm (chủ yếu là theo đà diễn biến của chứng khoán toàn cầu), thị trường chứng khoán sẽ sớm cân bằng trở lại. Về nửa cuối năm 2024, nền kinh tế tiếp tục hồi phục với môi trường chính sách tiền tệ ôn hòa và các nhóm doanh nghiệp duy trì tăng trưởng lợi nhuận khả quan. Điều này sẽ là động lực giúp thị trường chứng khoán sớm phục hồi.
Thu Trang(t/h)