Một trong những khó khăn này do nhận thức, hiểu biết pháp luật của một bộ phận nhân dân không đồng đều, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, khu vực biên giới, đời sống còn nhiều khó khăn nên dễ bị các đối tượng lợi dụng tiêu thụ các loại hàng cấm, hàng giả, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.
Địa bàn hoạt động rộng, lực lượng chức năng mỏng, cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, kinh phí, trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý, tiêu hủy, giám định, kiểm nghiệm, lấy mẫu còn nhiều thiếu thốn chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong khi các đối tượng buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi.
Lực lượng QLTT kiểm tra hàng hóa trên địa bàn
Tính chủ động và vai trò trách nhiệm của người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ còn chưa cao; bên cạnh đó là năng lực, nghiệp vụ chuyên ngành của một số ít cán bộ, công chức lực lượng chức năng cũng còn hạn chế, tinh thần trách nhiệm đấu tranh chống buôn lậu chưa cao, chưa quyết liệt.
Sự phối hợp của các doanh nghiệp với các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn rất hạn chế.
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra nhỏ lẻ trên cả tuyến biên giới và nội địa, số vụ bắt giữ xử lý tăng 189 vụ/215 đối tượng so với cùng kỳ năm trước, tăng nhiều trong những tháng cuối năm 2017 và trước, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018; riêng hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm ma túy tuy giảm cả về số vụ, số đối tượng và số lượng tang vật thu giữ so với cùng kỳ năm trước do các lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều đường dây ma túy lớn, xóa nhiều điểm phức tạp về ma túy trên địa bàn nhưng vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, các đối tượng tội phạm liên tục thay đổi phương thức hoạt động, hình thành các đường dây vận chuyển mua bán trái phép chất ma túy có tính chất gia đình, dòng họ; nguồn ma túy được thẩm lậu chủ yếu từ Lào vào địa bàn tỉnh Điện Biên, Sơn La được các đối tượng vận chuyển qua địa bàn tỉnh Lai Châu đến các tỉnh khác và ra nước ngoài tiêu thụ.
Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng không có nhiều thay đổi so với trước nhưng ngày càng tinh vi hơn, chủ yếu hoạt động theo phương thức nhỏ lẻ như gửi hàng vận chuyển trên xe khách; cất giấu hàng lậu trong bao bì hàng hóa hợp pháp khác; luôn thay đổi địa bàn, tuyến đường, phương tiện vận chuyển, thời gian hoạt động, thường vào đêm tối, giờ cao điểm, ngày nghỉ, lễ tết và trong mọi điều kiện thời tiết; các đối tượng tổ chức theo dõi các lực lượng chức năng khi bị phát hiện bắt giữ thường bỏ hàng vô chủ. Hàng hóa vi phạm tập trung nhiều vào những nhóm mặt hàng có lợi nhuận, thuế suất cao như thực phẩm tươi sống, ma túy, pháo nổ, gỗ, lâm sản, khoáng sản, động vật hoang dã, quần áo, dày dép, nước giải khát…
Đối tượng trọng điểm là các đầu nậu, đầu mối buôn chuyến, hoặc chủ hàng đồng thời là chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa; các đối tượng chủ đầu nậu không trực tiếp mang vác hàng hóa mà sử dụng các đối tượng nghiện ma túy có tiền án, tiền sử để làm cầu nối trong mua bán, vận chuyển ma túy và thuê cư dân biên giới, lợi dụng sự thân tín hoặc anh em trong dòng họ để vận chuyển, nhằm đảm bảo bí mật. Các tuyến, địa bàn được xác định: Tuyến Quốc lộ 4D, 279 từ Lào Cai, quốc lộ 32 từ Yên Bái, quốc lộ 12 từ Điện Biên, quốc lộ 279 từ Sơn La vào và các khu vực địa giới các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La giáp với tỉnh Lai Châu; các tuyến đường tỉnh lộ vào các huyện biên giới, cửa khẩu Ma Lù Thàng, đường mòn, lối mở giáp biên giới, sông, suối, các địa điểm có khả năng tập kết hàng hóa gần khu vực biên giới; kho tàng, bến bãi tập kết hàng hóa; các chợ trung tâm, bến xe khách thành phố, các huyện.
Trong thị trường nội địa: Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tăng so với cùng kỳ năm trước, các vi phạm chủ yếu là nhỏ lẻ với vi phạm chủ yếu là buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, gỗ, lâm sản, động vật hoang dã, thịt, nội tạng gia súc gia cầm và các sản phẩm của chúng không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch, vi phạm trong lĩnh vực giá, nhãn hàng hóa, đo lường, vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu như vụ: Ngày 10/01/2018, Đội QLTT số 4 – huyện Than Uyên phát hiện bà Nguyễn Thị Miền địa chỉ: Phường Đoàn kết – thành phố Lai Châu – tỉnh Lai Châu Đang tập kết Men nấu rượu do Trung Quốc sản xuất số lượng 20 bao (500kg), trị giá ước tính 4,750 triệu đồng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, Đội QLTT số 4 đã tiến hành lập biên bản và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; ngày 06/01/2018, Đội QLTT số 7 huyện Mường Tè phối hợp với Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm huyện Mường Tè tiến hành kiểm tra hàng hóa trên xe ô tô BKS 25C-021.28 do ông Phản Sài Quang là lái xe đang bốc dỡ, xuống hàng tại khu 6, thị trấn huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Qua kiểm tra phát hiện 18 thùng đùi gà (270 kg) trị giá 9 triệu đồng do Ông Vùi Văn Tuyến có địa chỉ tại xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu làm chủ, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành lập biên bản và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Mặt khác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lợi dụng sự nhận thức hiểu biết của người dân còn hạn chế và tâm lý ưa hàng rẻ, nên các đối tượng đã đưa hàng sắp hết hạn sử dụng, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, thiếu trọng lượng... vào tiêu thụ trên địa bàn.
Tại khu vực biên giới: Hoạt động buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn ra nhỏ lẻ theo từng thời điểm nhất là dịp lễ tết, các đối tượng buôn lậu đã lợi dụng triệt để tình hình địa bàn cùng chính sách cư dân biên giới để nhập khẩu trái phép hàng hóa, hoặc lợi dụng sự cả tin, kém hiểu biết của một số người dân không có công việc ổn định, các con nghiện, đối tượng có tiền án, tiền sự thông thạo địa bàn, để thuê vận chuyển ma túy, pháo nổ từ các đường mòn, lối mở khu vực biên giới vào nội địa tiêu thụ, như vụ: Ngày 05/01/2018, tại khu vực mốc 65, Đồn Biên Phòng 297 bắt quả tang đối tượng Nguyễn Thế Anh, sinh năm 1992, trú tại Bản Pa Nậm Cúm, huyện Phong Thổ về hành vi vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới, tang vật thu giữ khoảng 22kg pháo hoa và 5,4kg pháo nổ do Trung Quốc sản xuất. Vụ việc đã được xử lý theo quy định của pháp luật.
Ban chỉ đạo 389/ĐP đã bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên và căn cứ thực tế diễn biến tình hình thị trường để chỉ đạo các sở, ban, ngành thành viên, các lực lượng chức năng và các địa phương trong tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh, mở các đợt cao điểm; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; nắm bắt tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các địa bàn, lĩnh vực quản lý, chú trọng các mặt hàng trọng điểm, nhằm ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, buôn bán các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thực hiện phối hợp chặt chẽ, đồng bộ các lực lượng chức năng tại địa bàn; tập trung điều tra cơ bản, thực hiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, phát huy hiệu quả của các tổ, đội công tác trên các tuyến, địa bàn quản lý; tăng cường trao đổi thông tin tội phạm, thường trực đường dây nóng; chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, tuyến trọng điểm, trên biên giới và trong nội địa kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm và xử lý triệt để theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389/ĐP đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ký cam kết và vận động nhân dân không tham gia tiếp tay cho buôn lậu; góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.
Qua tổng hợp kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2018, tổng số vụ vi phạm được phát hiện, bắt giữ, xử lý tăng cả về số vụ và số đối tượng so với cùng kỳ năm 2017, tăng chủ yếu ở các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực giá, nhãn hàng hóa, lĩnh vực đo lường tuy nhiên các vụ việc có tính chất phức tạp về an ninh, trật tự, an toàn xã hội lại có xu hướng giảm (buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, chất nổ), số vụ khởi tố và số đối tượng bị khởi tố hình sự cũng giảm so với cùng kỳ năm trước.
Trong thời gian tới, các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389/ĐP và các huyện, thành phố cần quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực, địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý nhất là địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả trong từng lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm.
Tăng cường hơn nữa sự chủ động phối hợp giữa các sở, ngành thành viên với các huyện, thành phố nhằm tạo sức mạnh tổng hợp và hiệu quả cao trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, trang thiết bị, hỗ trợ kinh phí, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cáo trách nhiệm công vụ cho các lực lượng thực thi đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật trong kinh doanh, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với hình thức đa dạng, phù hợp, hiệu quả hơn.
Tích cực vận động các doanh nghiệp cung cấp thông tin cách nhận biết về hàng thật, hàng giả, hàng nhái đối với sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp bị xâm phạm, đồng thời tố giác các hành vi vi phạm với cơ quan chức năng để có biện pháp đấu tranh đạt hiệu quả. Tăng cường công tác dự báo, nắm tình hình, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn xử lý kịp thời; thực hiện đúng chế độ thông tin báo cáo theo quy định.
T.Lan/ BCD389