TS. Lưu Đức Hải, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lo ngại: “Việc DN phải vay với mức lãi suất cao hơn từ 1,4 - 2 lần so với các nước khác như hiện nay, đang khiến cho hàng hóa nội khó cạnh tranh, làm suy yếu dần các DN XK Việt Nam”.
Lãi suất cho vay vẫn quá cao
TS. Hải dẫn chứng: Đối với XK, các DN Việt Nam mặc dù đã được hưởng ưu đãi nhưng vẫn đang vay với lãi suất là 8 - 10%/năm; trong khi DN của các nước có mặt hàng XK cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam lại đang vay với lãi suất thấp hơn nhiều.
Đa số DN Việt Nam đang vay với lãi suất 10 - 13%/năm; trong khi các DN FDI, nếu vay ở chính quốc để đầu tư vào Việt Nam, mức lãi suất vay thấp hơn nhiều. Từ nhiều năm nay, các nước có đầu tư FDI nhiều ở Việt Nam như Hoa Kỳ lãi suất luôn ổn định là 3,3%/năm, Nhật Bản là 1,5%, Hàn Quốc là 4,7%... Sự chênh lệch về lãi suất như trên đã tạo ra những lợi thế nhất định cho các DN FDI so với các DN Việt Nam nếu tiêu thụ hàng hóa cùng loại tại thị trường nội địa.
Thực tế, mức lãi suất của Việt Nam hiện nay mặc dù đã giảm nhiều, nhưng so với các nước khác vẫn quá cao, đang là một sức ép rất lớn đối với các DN; nếu không sớm hạ nhanh lãi suất về ngang bằng các quốc gia khác thì nền kinh tế sẽ khó có sự tăng trưởng nhanh và ổn định trong trung và dài hạn.
Vấn đề giảm tiếp lãi suất đã được nhắc đến nhiều lần và NHNN từng khẳng định sẽ giảm nếu có điều kiện. “Định hướng điều hành lãi suất từ nay đến cuối năm, nếu lạm phát kỳ vọng vẫn như vậy, lãi suất sẽ được duy trì ổn định. Còn nếu có điều kiện, bản thân các TCTD có thể giảm thêm từ 1 - 2% so với cuối năm 2013”, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN cho biết.
Kế sách nào?
Theo TS. Hải, một trong những giải pháp giảm lãi suất cho vay là tư duy lại phương pháp điều hành theo “chính sách lãi suất thực dương”. Chính sách lãi suất thực dương đang được sử dụng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới; bản chất của nó là đảm bảo mức lãi suất đủ bù đắp sự mất giá của đồng tiền và có lãi thực, tức là lãi suất tiền gửi ngân hàng phải lớn hơn tỷ lệ lạm phát (ngược lại, lãi suất thực âm nếu mức lãi suất tiền gửi nhỏ hơn tỷ lệ lạm phát). Chính sách này có ưu điểm là cân bằng được lợi ích của người gửi tiền với lợi ích của hệ thống tín dụng và nền kinh tế.
Cũng như nhiều nước khác, Việt Nam đang áp dụng chính sách lãi suất thực dương trong điều hành chính sách tiền tệ. Có thể thấy rằng, do tâm lý tích trữ và tình trạng vàng, đô la hóa ở Việt Nam còn quá cao nên chính sách lãi suất thực dương tác động không quá lớn đến lượng tiền gửi của dân cư. Hơn nữa, tổng số dư tiền gửi của hệ thống NH tăng không tương xứng, chủ yếu dòng tiền dịch chuyển từ NH này sang NH khác…
Lãi suất thực dương của chúng ta đang được tính toán căn cứ theo lạm phát toàn phần, trong khi thế giới căn cứ vào lạm phát cơ bản. Vì chưa loại trừ các yếu tố mùa vụ nên lạm phát toàn phần bao giờ cũng cao hơn lạm phát cơ bản, do vậy nếu sử dụng lạm phát toàn phần làm căn cứ xác định lãi suất thực dương thì vô hình chung đã đẩy lãi suất tiền gửi lên cao hơn mức cần thiết. Ước tính, người gửi tiền vẫn có lãi khi lãi suất tiền gửi giảm 15 - 30% (cũng đồng nghĩa với lãi suất cho vay có thể giảm tương ứng) so với mức hiện nay nếu sử dụng lạm phát cơ bản trong điều hành chính sách tiền tệ.
NHNN cần có chính sách giảm dần lãi suất cho vay quá cao hiện nay, xuống ngang bằng với các nước trong khu vực và thế giới thông qua sử dụng linh hoạt chính sách lãi suất: Có thể áp dụng chính sách lãi suất thực âm trên cơ sở tạo ra sự đồng thuận, chia sẻ lợi ích giữa người gửi tiền, NH và DN.
“Xem xét, cân nhắc sử dụng yếu tố lạm phát cơ bản thay cho lạm phát toàn phần trong tính toán điều hành chính sách lãi suất để hạ lãi suất huy động, làm căn cứ cho việc hạ lãi suất cho vay là việc làm cấp thiết để tăng tính cạnh tranh và đảm bảo tăng trưởng nhanh và ổn định của nền kinh tế trong trung và dài hạn”, TS. Hải khuyến nghị.
Hà Thu