Thị trường liên ngân hàng bất ngờ “nổi sóng” khi lãi suất giao dịch VND bật tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 21/11. Theo đó, lãi suất giao dịch VND bình quân liên ngân hàng tăng tới 0,43 - 0,76 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó, đưa lãi suất cho vay qua đêm bình quân tăng lên tới 3,34%/năm; lãi suất 1 tuần là 3,46%/năm và 2 tuần là 3,10%/năm.

Mức lãi suất nói trên vẫn thấp hơn thời điểm cuối tháng 8 khi mà lãi suất cho vay qua đêm tại thời điểm đó đạt tới 4,42%/năm; 1 tuần là 4,60%/năm và 2 tuần là 4,75%/năm. Thế nhưng, mức tăng của phiên ngày 21/11 là mức tăng mạnh nhất trong một phiên trong thời gian gần đây khi mà mức biến động ngắn hạn thường chỉ xoay trong khoảng 0,1 - 0,2 điểm phần trăm mỗi phiên.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sự đảo chiều đột ngột của lãi suất liên ngân hàng là một dấu hiệu cho thấy, thanh khoản của các ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng cục bộ. Không chỉ lãi suất tăng mà việc Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm ròng tiền vào hệ thống cũng cho thấy sự nóng lên của thanh khoản.

Trong tuần qua Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm ròng vào thị trường sau khi đã bơm ròng 8.000 tỷ đồng vào hệ thống trong tuần trước đó. Hoạt động bơm ròng này được thực hiện thông qua việc ngừng phát hành tính phiếu hoặc chỉ phát hành với khối lượng nhỏ hơn lượng đáo hạn.

Đáng chú ý là tình trạng căng thẳng thanh khoản này xảy ra chỉ ít ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước có các quyết định giảm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 1 tháng xuống còn tối đa là 0,8%/năm và giảm trần lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống còn 5%/năm. 

Nhiều công ty chứng khoán đã nhận định, việc lãi suất huy động liên tục tăng trong thời gian gần đây một phần do áp lực tăng lãi suất huy động ở các ngân hàng cổ phần nhỏ nhằm bổ sung thanh khoản giai đoạn cuối năm, cũng như để đáp ứng các quy định về vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn của Ngân hàng Nhà nước. Để giữ chân khách hàng, nhiều ngân hàng lớn cũng buộc phải tăng lãi suất theo. Bởi vậy, quyết định hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn của Ngân hàng Nhà nước trước mắt sẽ tác động chủ yếu đến các ngân hàng nhỏ.

PV