Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm hiện chỉ còn 0,78%/năm. Trước đó, đầu tuần này, lãi suất cho vay qua đêm đột ngột vọt tăng cao, lên tới 5,01% ngày 26/07 (ngày Fed tổ chức phiên họp chính sách bàn về việc tăng lãi suất). Như vậy, so với phiên giao dịch trước ngày Fed tăng lãi suất, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã giảm tới 84% và trở về mốc cuối tháng 06/2022 – thời điểm thanh khoản hệ thống dồi dào và Ngân hàng Nhà nước liên tục rút tiền về.
Không chỉ lãi suất cho vay qua đêm mà lãi suất cho vay các kỳ hạn khác trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm mạnh dù quy mô giao dịch vẫn tăng (trên 300.000 tỷ đồng, chủ yếu là giao dịch qua đêm). Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tuần là 1,49%/năm, kỳ hạn 2 tuần là 2,46%/năm, kỳ hạn 1 tháng là 2,8%/năm. Trong phiên giao dịch ngà 28/07, lãi suất các kỳ hạn tương ứng trên là: 4,7%, 3,1%, 4,48%.
Cùng với việc lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt, hôm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng không thực hiện phiên chào thầu nào trên thị trường mở. Trong 05 phiên chào thầu diễn ra tuần này, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục bơm ra thị trường 46.000 tỷ đồng.
Theo nhận định của các chuyên gia, diễn biến trên thị trường liên ngân hàng tuần qua là do ảnh hưởng của việc Fed tiếp tục tăng lãi suất. Theo đó, thị trường phản ứng tiêu cực trước khi có thông tin chính thức song đã nhanh chóng bình ổn trở lại khi mức tăng lãi suất của Fed không khác biệt so với dự đoán của thị trường.
Trong phiên họp với lãnh đạo một số bộ, ngành bàn về những giải pháp, đối sách phù hợp cả trước mắt và lâu dài để tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội ngày 28/07 (ngay sau khi Fed tăng lãi suất), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số 1 hiện nay là tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Thủ tướng chỉ đạo, tiếp tục phối hợp hài hòa, hợp lý, đồng bộ, chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.
Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chắc chắn, hiệu quả; điều hành tỷ giá, lãi suất ổn định hợp lý, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp tục chống đô la hóa, vàng hóa hiệu quả; bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, tập trung vào sản xuất kinh doanh, phát triển bất động sản khu công nghiệp, nhà ở xã hội.
Q.N.H (t/h)