Hiện nay, nhằm kiềm chế tình trạng lạm phát, nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành tăng lãi suất. Cùng lúc, ở Việt Nam, trong khi lãi suất huy động có xu hướng tăng thì lãi suất cho vay vẫn được duy trì ở mức ổn định. Các chuyên gia cũng bày tỏ niềm hi vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chính sách điều hành tiền tệ một cách linh hoạt để có thể đối phó với áp lực lãi suất trong tương lai, đặc biệt là khi tình hình lạm phát trên toàn cầu ngày một gia tăng.
Trên thực tế, kể từ đầu năm đến nay, đông đảo ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất tiền gửi, xu hướng chính là tăng lãi suất huy động ở mức 0.5 – 1 điểm %, chủ yếu ở kỳ hạn từ 6 – 12 tháng. Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Phân tích, Công ty chứng khoán VNDIRECT cho biết:
“Nhóm các ngân hàng cổ phần nhà nước, ở các kỳ hạn ngắn, lãi suất vẫn ở mức dưới 4%. Trong khi các kỳ hạn dài hơn, lãi suất vẫn ở dưới mức 6%. Tuy nhiên, với nhóm các ngân hàng thương mại tư nhân, rõ ràng có một cuộc đua lãi suất khi một số ngân hàng thậm chí đẩy lãi suất kỳ hạn dài lên trên 7%, cao nhất hiện nay là 7.6%”.
Theo các chuyên gia, ngân hàng làm vậy là để hút nguồn tiền gửi, nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao cho phục hồi kinh tế. Tính đến hết tháng 06/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 9.35%, trong khi đó lượng tiền gửi trong nửa đầu năm chỉ tăng hơn 4%.
“Nhu cầu vốn của các doanh nghiệp tư nhân tăng mạnh khi số lượng thành lập doanh nghiệp mới cũng như số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp sản xuất đã đưa ra kế hoạch mở rộng sản xuất, mở rộng nhà máy cũng như tăng chuỗi bán lẻ hàng hóa”, bà Hiền nói thêm.
Dựa trên thông tin được Quỹ Tiền tệ Quốc tế đưa ra thì hiện tại trên thế giới đã có đến 75 ngân hàng trung ương gia tăng lãi suất để ứng phó với tình trạng lạm phát gia tăng một cách chóng mặt. Chính vì vậy, việc tăng lãi suất huy động được đánh giá là bước đi phù hợp với xu hướng toàn cầu. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ duy trì các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ cơ quan này với chi phí thấp, qua đó có thể giảm lãi suất cho vay xuống hơn nữa.
Về phía các chuyên gia, họ dự báo trong nửa còn lại của 2022, lãi suất cho vay sẽ được duy trì ổn định còn lãi suất huy động lại tăng nhẹ vào những tháng cuối năm. Bởi lẽ điều này sẽ đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hồng Nhung (t/h)