Ông Tạ Văn Trọng bên vườn lay ơn vụ Tết |
Với 15 năm kinh nghiệm, ông Trọng am hiểu từng loại hoa, thị trường và xu hướng tiêu dùng, từ đó lựa chọn giống hoa phù hợp, đáp ứng thị hiếu từng vụ và từng khu vực.
Gốc gác từ Bắc Giang, ông Trọng đến Hiệp An lập nghiệp từ năm 2009. Ban đầu, gia đình ông trồng la ghim, nhưng nhận thấy tiềm năng của hoa lay ơn trên vùng đất này, ông quyết định chuyển hướng sang loại hoa đầy màu sắc này.
Với 2 sào đất ban đầu, ông Trọng bắt đầu hành trình chinh phục "nữ hoàng" lay ơn trên mảnh đất mới. Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn nước thuận lợi, cùng sự nỗ lực học hỏi, vườn hoa lay ơn của ông ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.
"Ban đầu, tôi chỉ trồng để kiếm sống, nhưng sau nhiều năm gắn bó, tôi nhận ra đam mê và quyết định phát triển rộng hơn", ông Trọng chia sẻ với niềm tự hào và tâm huyết.
Niềm đam mê thôi thúc ông không ngừng tìm tòi, học hỏi. Ông nghiên cứu các loại giống hoa lay ơn cả trong nước và nước ngoài, nắm bắt thông tin thị trường, mở rộng mối quan hệ với thương lái và khách hàng. Nhờ vậy, vườn hoa của ông luôn tìm được nguồn tiêu thụ ổn định trên thị trường.
Với sự đầu tư bài bản, ứng dụng khoa học kỹ thuật, hoa lay ơn của ông Trọng luôn cứng cáp, tươi tắn, đáp ứng thị hiếu khách hàng. Cùng với đó, ông cũng đặc biệt chú trọng xây dựng thương hiệu, tạo dựng uy tín bằng chất lượng hoa với các thị trường quen lâu năm.
Ông trọng chia sẻ:
“Tôi tìm hiểu từng loại giống hoa nhập khẩu từ nhiều nơi, nắm bắt thông tin về thị trường hoa trên mạng và qua các mối quan hệ làm ăn. Tôi cũng không chỉ dừng lại ở việc bán cho thương lái trong vùng mà còn tìm hiểu và biết được từng thị trường nào yêu thích loại hoa, màu sắc hoa khác nhau. Vì vậy, tuỳ theo từng mùa vụ, tôi tổ chức trồng những giống hoa lay ơn phù hợp để đáp ứng nhu cầu của thị trường”.
Với sự chăm chỉ và tâm huyết, vườn hoa lay ơn của ông Trọng ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến hiện tại, ông đã mở rộng diện tích đất trồng hoa từ 2 sao ban đầu lên 6 sào và đầu tư vào công nghệ thúc đẩy sự phát triển của cây hoa. Toàn bộ vườn hoa của ông đều đựợc chia ra theo từng loại để phục vụ riêng cho từng thị trường, thị hiếu khách hàng.
"Hoa lay ơn từ ngày xuống giống đến khi thu hoạch mất từ 65 đến 90 ngày, tuỳ loại giống. Mỗi năm, tôi thường trồng 3 vụ chính, riêng vụ tết thì được giá nhất, mỗi sào thu về hơn 50 triệu đồng. Tính đến thời điểm hiện tại (16/2), tôi chỉ để lại 1 sào chờ để bán Rằm tháng Giêng, còn toàn bộ diện tích trồng bán tết vừa rồi cũng đã làm xong đất, chuẩn bị xuống giống vụ mới" - ông Trọng chia sẻ.
Ông Tạ Văn Trọng không chỉ là một người trồng hoa giỏi mà còn là một người đi đầu trong việc áp dụng công nghệ mới và nhanh nhạy trong phát triển thị trường hoa lay ơn. Dù chưa thể trở thành đại gia của Làng hoa Hiệp An nhờ cây hoa lay ơn, nhưng với sự năng động và tình yêu với loại hoa truyền thống của đất Hiệp An, ông Trọng đã trở thành một trong những người dẫn đầu trong việc trồng hoa lay ơn cho chất lượng cao, góp phần vào giữ gìn và quảng bá loại hoa lay ơn của Hiệp An, Đức Trọng.
Sự thành công trong nghề trồng hoa lay ơn đã làm cho cuộc sống gia đình ông ngày càng khấm khá và ổn định hơn, không chỉ vậy, mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương. Vườn hoa lay ơn của ông đã tạo ra việc làm cho nhiều người trong làng; đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh hoa lay ơn Hiệp An đi nhiều nơi.
Trên hành trình của mình, ông Trọng đã chứng minh rằng sự đam mê, kiến thức và nỗ lực không ngừng nghỉ là những yếu tố quan trọng để thành công trong ngành trồng hoa.
H. Thủy (Nguồn: https://baolamdong.vn/kinh-te)