Bí thư Thành Ủy Trần Đình Khoa và ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND tp. Vũng Tàu chủ trì Hội thảo
Bí thư Thành Ủy Trần Đình Khoa và ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch UBND TP.. Vũng Tàu chủ trì Hội thảo (Ảnh: Thanh Huyền)

3 nhóm sản phẩm du lịch, 32 dự án

Theo dự thảo đề án trình bày tại Hội thảo, mục tiêu và tầm nhìn được xác định rõ: Xây dựng thành phố Vũng Tàu du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, hướng đến phát thải ròng bằng không (net zero) vào năm 2050. Trong đó, mục tiêu cụ thể: Xây dựng đề án tổng thể phát triển thành phố du lịch đẳng cấp quốc tế đến 2050; đề xuất các chương trình phát triển thành phố Vũng Tàu trở thành thành phố du lịch chất lượng cao – đẳng cấp quốc tế vào năm 2030; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo – du lịch công nghệ là nền tảng vào năm 2040; xây dựng các phương án phát triển công nghiệp du lịch hướng tới phát thải ròng bằng không năm 2050.

Tiến sĩ Đinh Công Khải, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ chí Minh, trình bày tóm tắt Đề án
Tiến sĩ Đinh Công Khải, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ chí Minh, trình bày tóm tắt Đề án (Ảnh: Thanh Huyền)

Tiến sĩ Đinh Công Khải, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đại diện nhóm nghiên cứu nêu rõ: Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là thành phố giàu tiềm năng với nhiều điểm mạnh trong phát triển du lịch. Điểm mạnh đó là vị trí thuận lợi, kết nối khu vực, cảnh quan đa dạng, giàu văn hóa và di sản, ẩm thực phong phú, cộng đồng đa dạng, người dân thân thiện và thời tiết tốt. Tuy nhiên, Vũng Tàu cần giải quyết những điểm yếu như thiếu bản sắc, thiếu tiện ích thu hút, thiếu thông tin và điều hướng du lịch, thiếu sự khuyến khích kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, chưa đạt chuẩn quốc tế, dịch vụ du lịch chưa đa dạng và chất lượng dẫn đến chi tiêu trên đầu khách du lịch thấp, khả năng thu hút và phục vụ khách quốc tế cần được cải thiện, từ nguồn nhân lực đến sản phẩm du lịch và dịch vụ đi kèm…

Từ đó, Đề án xác định đối tượng khách du lịch: Khách du lịch Mice; khách du lịch thể thao; khách du lịch sinh thái; khách du lịch vì mục đích tôn giáo, văn hóa; khách du lịch nghỉ dưỡng.

Về sản phẩm du lịch, đề án xác định 3 nhóm sản phẩm, (1)nhóm sản phẩm du lịch đẳng cấp có 6 loại hình, đó là:  hoạt động ( thể thao, trekking đi xe đạp, marathon); xa hoa (giải trí, mua sắm sang trọng); ẩm thực (thực phẩm/ rượu vang và ẩm thực độc quyền); chụp ảnh nhanh (Instagram, phương tiện truyền thông); người nổi tiếng (độc quyền và sang trọng); du lịch chữa lành (sức khỏe và tâm linh)

(2) Nhóm sản phẩm sự kiện thông minh (Mice, lễ hội sự kiện quốc tế, nghệ thuật, công nghệ biểu diễn, hoa hậu thế giới, thời trang);

 (3) Nhóm sản phẩm du lịch văn hóa và di sản thông minh (bảo tang, di sản di tích, tôn giáo, địa phương, ẩm thực địa phương, trải nghiệm chế biến, tình nguyện viên, sinh thái, sống cộng đồng).

Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất 32 dự án, trong đó: Nhóm sản phẩm du lịch đẳng cấp có 13 dự án: trung tâm nền tảng thành phố thông minh; trung tâm dọc bờ biển sang trọng; câu lạc bộ du thuyền độc quyền; trung tâm chăm sóc sức khỏe và nơi nghỉ dưỡng bên bờ biển; trung tâm mua sắm và trải nghiệm phong cách sống sang trọng; sân Golf; Khu nghỉ dưỡng sinh thái và trung tâm du lịch; Nhà hàng và trường dạy ẩm thực sang trọng; Cảng – gần Bạch Dinh (tích hợp với đường đi dạo phong cách Pháp); Dự án kết nối di chuyển trên đất liền và trên biển; dự án an toàn và an ninh; dự án tích hợp danh lam thắng cảnh (tuyến đường đi bộ chụp ảnh, tương tự như Bali, Langkawi); dự án cơ sở hạ tầng thể thao (phát triển các tuyến đường đi xe đạp và đường chạy bộ dọc bãi biển, các môn thể thao dưới nước, 4 cung đường (nội thành, cung đường di sản và lịch sử, cung đường bên bãi biển và cung đường mua sắm trung tâm); dự án các tuyến đường đi bộ và leo núi (Núi Lớn, Núi Nhỏ, Long Sơn);

 Nhóm sản phẩm, sự kiện thông minh có  7 dự án:  Trung tâm triển lãm đẳng cấp thế giới; phát triển cơ sở hạ tầng MICE; kinh tế đêm (chợ đêm và các tuyến phố hoạt động về đêm với các nhà hàng, khu biểu diễn); chuỗi cung ứng thực phẩm; phát triển không gian mở (dành cho các hoạt động công cộng, sự kiện văn hóa, nhà hát ngoài trời bên bờ biển); dự án tăng cường mạng lưới đi bộ và bãi đậu xe; dự án trải nghiệm sự kiện dựa trên công nghệ.

 Nhóm sản phẩm du lịch văn hóa và di sản thông minh có 11 dự án:  Phố ẩm thực địa phương; nơi kể chuyện văn hóa; tái phát triển bảo tàng và các địa danh địa phương (ứng dụng công nghệ thông minh); khu chăm sóc sức khỏe và chữa lành Viba; phát triển du lịch cộng đồng (vùng Long Sơn và Gò Găng, rừng ngập mặn); đi bộ khám phá di sản; trải nghiệm VR di sản văn hóa (các chuyến tham quan thực tế ảo đến các di tích lịch sử của vũng tàu, mang đến trải nghiệm văn hóa cho du khách toàn thế giới); nền tảng du lịch thông minh; Viện Văn hóa và Lịch sử ngôn ngữ Pháp; tái sử dụng và chuyển đổi thích ứng (chuyển đổi Homestay xa hoa và sang trọng); tuyến đường di sản Pháp.

Ngoài ra “nền tảng đồng sáng tạo” có 3 dự án: Trung tâm kết nối tương lai, ở vị trí khu vực lân cận Bàu Sen; Khu vực hội nghị và hội họp chất lượng cao, vị trí phường 7 và khu Vietsovpetro; Trung tâm đào tạo và nâng cao năng lực, vị trí khu vực Chí Linh/ gần Bàu Trũng.

Về không gian phát triển: Nhóm dự án phát triển cuộc sống đẳng cấp, sang trọng, ở vị trí  khu vực Chí Linh, Cửa Lấp, dọc trục đường 3/2, kết nối với Bãi Sau, Thùy Vân, Mũi Nghinh Phong; Phát triển các trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao, vị trí khu vực Long Sơn – Gò Găng; Sản phẩm giải trí, thể thao, vị trí là các tuyến đường dọc biển, khu vực Núi Lớn, Núi Nhỏ; Nhóm sản phẩm sự kiện thông minh, vị trí sân bay quân sự hiện hữu, bãi Thùy Vân, Bãi Trước, Bãi Sau; Trải nghiệm văn hóa địa phương, vị trí các tuyến đường Thống Nhất, Ba Cu, công viên Bãi Trước, chợ truyền thống, Nhà Lớn.

Để triển khai các nhóm dự án, định vị thương hiệu, nhóm nghiên cứu đề xuất lộ trình với 3 giai đoạn: giai đoạn 2024-2030; giai đoạn 2030-2040 và giai đoạn 2040-2050.

Đồng thời đề ra 3 giải pháp chính:  (1)xây dựng “nền tảng đồng sáng tạo” với mô hình sự hợp tác các khu vực công – tư – con người, trong đó lấy du khách làm trung tâm, tăng tương tác, chia sẻ của du khách để thay đổi, tạo ra sản phẩm, dịch vụ chất lượng; (2) Tham gia các bảng xếp hạng quốc tế về thành phố du lịch; (3) phát triển du lịch thông minh.

Hội thảo có sự tham gia của các Sở, ngành, các tổ chức hiệp hội tỉnh BR-VT và các phòng, ban chuyên môn TP. Vũng Tàu
Hội thảo có sự tham gia của các Sở, ngành, các tổ chức hiệp hội tỉnh BR-VT và các phòng, ban chuyên môn TP. Vũng Tàu (Ảnh: Thanh Huyền)

Để Đề án hiện thực hóa cao

Đóng góp cho đề án, ông Lê Xuân Tươi, Nguyên Bí thư Thành ủy TP. Vũng Tàu cho rằng: Cần xác định điểm chính, đặc sắc, sản phẩm chủ lực;  tránh tình trạng, xây dựng sản phẩm nhưng không kiên trì bồi đắp cho sản phẩm ngày càng tốt hơn, mà lại “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”; cần có sự phân công theo dõi, ai thực hiện, thực hiện như thế nào, nếu không đề án sẽ thành tập hồ sơ để đó. Quan tâm nâng cao chất lượng đời sống người dân “người dân khó khăn thì không làm được du lịch đẳng cấp”.  Lưu ý thành phố, cần tạo sự phát triển bền vững, bảo tồn những giá trị cổ, kiến trúc, công trình tôn giáo, di tích lịch sử. Bên cạnh đó phải phát triển những giá trị mới. Ông cũng kiến nghị thành phố Vũng Tàu cần trùng tu, khai thác trận địa pháo cổ; bảo tồn rừng ngập mặn Phước Cơ.

KTS. Nguyễn Đức Lập Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh BR-VT tham luận
KTS. Nguyễn Đức Lập Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh BR-VT tham luận "làm gì để du lịch Vũng Tàu đạt đẳng cấp quốc tế" (Ảnh: Thanh Huyền)

KTS. Nguyễn Đức Lập,  Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh BR-VT nêu quan điểm: Không “sao chép kiến trúc”, cần khai thác văn hóa bản địa, vì du khách quốc tế họ rất thích nét đặc sắc riêng của địa phương.

Cần tư duy đột phá, ví dụ như nhà hát đặt ngoài biển; mạnh dạn khai thác Núi Lớn, Núi Nhỏ, có sự bảo tồn, tạo sức hút điểm nhìn cho du khách;  hồ nước, mặt nước phải được giữ lại, để vừa tôn tạo phát triển cảnh quan thiên nhiên, vừa phát triển du lịch và bền vững. Khai thác quỹ đất công hiệu quả. Vũng Tàu Có núi, có biển, có rừng ngập mặn, là điều quý giá vô cùng nhưng không khai thác hết; Chưa xây dựng được công trình điểm nhấn thật sự chất lượng; Có quy hoạch nhiều dự án nhưng chưa triển khai được là sự đáng tiếc.

Theo  ông Nguyễn Lập, nguyên Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu, thì cần đánh giá lại thực trạng, rà soát lại xem thiếu sản phẩm  gì, Khai thác không gian đặc sắc của Vũng Tàu là gì,  để giúp đề án mang tính hiện thực hóa cao…

Ông Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu nhấn mạnh: Việc xây dựng đề án “Phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế”, là nhằm thực hiện một trong những nội dung quan trọng Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 7/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội thảo mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp có giá trị để giúp thành phố, nhóm nghiên cứu có thêm luận cứ, cơ sở khoa học, từ đó bổ sung, hoàn thiện đề án, trình UBND tỉnh phê duyệt. Trước đó vào tháng 1/2024, Tổ xây dựng đề án cũng đã tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến các chuyên gia quốc tế.

Thanh Huyền