Rạng sáng 23/3/2018, một thảm họa đã xảy ra, vẫn là cháy và là vụ cháy Chung cư Carina Plaza quận 8, TP. HCM khiến 13 người chết, hàng chục người bị thương.
Theo Cảnh sát PCCC, lửa xuất phát từ một chiếc xe máy tại tầng hầm rồi lan sang các xe máy khác đỗ trong tầng hầm rộng hàng nghìn m2. Điều đáng nói ở đây, khi lực lượng cứu hộ đến hiện trường điện đã tắt, không có đèn tín hiệu dẫn đường thoát hiểm cho nạn nhân, hệ thống báo cháy, báo khói tê liệt.
Vụ cháy Chung cư Carina Plaza quận 8, TP. HCM
Thời gian qua, những thông tin, hình ảnh tang thương của vụ cháy này cũng đã tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng, khiến cho hàng triệu người dân đang sinh sống tại các tòa nhà cao tầng hoang mang, lo lắng cho tính mạng và tài sản của mình. Để sở hữu một căn hộ chung cư, tùy từng mức độ, người dân phải bỏ ra đến số tiền hàng tỷ đồng, tuy nhiên tính mạng của họ lại là sự hên xui của số phận khi “bà hỏa ghé thăm”!
Trao đổi với PV Thương hiệu & Công luận, Thạc sỹ Nguyễn Hoàng An, TGĐ Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Đào tạo Quốc tế (ITIC) - chuyên gia hàng đầu Việt Nam về quản lý rủi ro và vận hành nhà chung cư cho biết: “Thực tế, nhiều chung cư vẫn chưa ý thức cao việc PCCC. Do đó, khi gặp sự cố cháy thì ứng phó thụ động và dẫn đến nhiều thiệt hại về người và vật chất”.
Thạc sỹ Nguyễn Hoàng An, TGĐ Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Đào tạo Quốc tế (ITIC) (đứng) tư vấn và đào tạo công tác quản lý rủi ro và vận hành nhà chung cư
PV: Vậy làm sao kiểm soát hiểm họa cháy ở chung cư?
Thạc sỹNguyễn Hoàng An: Việc bảo trì thường xuyên là giải pháp ngăn ngừa rủi ro và hạn chế tới mức tối đa thiệt hại khi xảy ra cháy. Tuy nhiên, nhiều trường hợp công ty quản lý chào giá cạnh tranh để được ký hợp đồng quản lý chung cư với giá rẻ dẫn đến công tác bảo trì hệ thống kỹ thuật và hệ thống PCCC không được thực hiện định kỳ theo đúng quy trình chuyên môn. Điều này hết sức nguy hiểm khi không may có sự cố xảy ra mà lẽ ra, đã được phát hiện và khắc phục khi bảo trì tòa nhà định kỳ.
Ngoài ra, việc áp dụng quy trình biểu mẫu trong công tác bảo trì tòa nhà phải được đơn vị quản lý chuyên nghiệp đánh giá, khảo sát thực tế của toà nhà… Từ đó, xây dựng thành kế hoạch bảo trì cả năm và được niêm yết công khai để cư dân cùng giám sát công tác bảo trì an toàn tòa nhà.
PV: Từ kinh nghiệm thực tế qua nhiều tòa nhà mà ITIC tư vấn và đào tạo, theo ông, để phòng chống cháy nổ trong chung cư đạt hiệu quả, giảm thiệt hại tối đa, cần chú ý những điểmgì?
Thạc sỹ Nguyễn Hoàng An: Thứ nhất, tăng cường công tác kiểm tra bảo trì thường xuyên máy phát điện, máy bơm nước PCCC, tủ điện PCCC. Lưu ý đến thời gian sử dụng các thiết bị để tránh rủi ro khi sự cố xảy ra mà hệ thống PCCC không hoạt động như bình ắc quy không có điện nên không thể vận hành máy phát điện. Máy bơm nước PCCC, tủ điện PCCC luôn để chế độ “auto” để sẵn sàng hoạt động khi có sự cố.
Máy phát điện, cần có dòng điện ưu tiên phục vụ cho công tác chữa cháy, vì nhiều sự cố cháy chung cư khi cúp điện nhưng máy phát điện hoạt động một lúc gặp nước gây điện giật chết người, hoặc gây chạm điện làm “nhảy CB” dừng máy phát điện. Lúc này, toàn bộ hệ thống PCCC của chung cư đều không hoạt động.
Thứ hai, kiểm tra bảo trì thường xuyên hệ thống báo khói, báo nhiệt ở chung cư. Một số chung cư thường không kiểm tra định kỳ thường xuyên. Ban quản lý cắt giảm chi phí kiểm tra do trung bình tòa nhà chung cư có hàng nghìn các đầu báo này nên không đủ nhân sự, thiết bị và thời gian đi kiểm tra.
Việc báo cháy giả ở khu chung cư vẫn diễn ra thường xuyên gây nhiều hoang mang cho cư dân, nhiều ban quản lý thiếu kinh nghiệm đã chọn giải pháp tắt luôn hệ thống này. Đến khi có cháy thật sự, thì cư dân không hề hay biết.
Thứ ba, kiểm tra thường xuyên vòi chữa cháy. Nhiều trường hợp vòi chữa cháy lâu năm không sử dụng và không kiểm tra thường xuyên, hoặc không được phơi khô sau khi sử dụng, đến khi sử dụng thì đường ống đã bị mục và rách không chữa cháy được.
Thứ tư, mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành đã quy định các khu chung cư phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Tuy nhiên, thực tế nhiều chung cư không thực hiện và các chủ sở hữu căn hộ cũng không được ban quản lý hướng dẫn cùng mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và bảo hiểm tài sản vật chất cho riêng căn hộ.
Thứ năm, xây dựng hệ thống kiểm soát rủi ro phù hợp. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa những tổn thất, sự cố, mất mát, hư hỏng… tạo ra môi trường sống an toàn, hạn chế những rủi ro có thể xảy ra. Bên cạnh đó, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm và sự chuyên nghiệp của toàn hệ thống ban quản lý, giảm thiểu, không làm gián đoạn hoạt động của chung cư và tạo sự an tâm đối với cư dân.
Thứ sáu, chung cư cần có sơ đồ thoát hiểm và thường xuyên tuyên truyền về kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn, nâng cao ý thức về PCCC trong cư dân.
Phiếu đăng ký tham gia chương trình“Khảo sát, đánh giá hiện trạng và cảnh báo rủi ro trong toà nhà chung cư – miễn phí”
Được biết, ITIC hiện là một trong số ít đơn vị tư vấn và đào tạo thường xuyên kết hợp với các chủ đầu tư, ban quản trị chung cư tại TP. HCM, TP. Biên Hòa, TP. Vũng Tàu để triển khai chương trình khảo sát, đánh giá hiện trạng kỹ thuật, hệ thống PCCC và tư vấn quản lý rủi ro trong tòa nhà chung cư - hoàn toàn miễn phí. Đây là một trong những hoạt động góp phần cảnh báo những rủi ro và phòng chống cháy nổ xảy ra.
Bảo Trần