Làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào các ngân hàng Việt - Hình 1

Ồ ạt dòng vốn ngoại “rót” vào các nhà băng

Cách đây 1 năm, việc hàng loạt ngân hàng nước ngoài thoái vốn khỏi các ngân hàng Việt Nam đã gây không ít quan ngại về thị trường và tiềm năng đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng Việt.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia am hiểu thị trường, việc vốn ngoại thoái lui tại thời điểm đó không có gì bất thường khi chuẩn mực mới của Basel 3 được yêu cầu phải tuân thủ, trong đó các ngân hàng mẹ phải có dự phòng đối ứng cho những khoản đầu tư ở nước ngoài.

Thực hiện yêu cầu này, cân nhắc chi phí đối ứng, một số nhà đầu tư ngoại đã quyết định thoái vốn. Thực tế này diễn ra trong bối cảnh không ít ngân hàng Việt vẫn có rất nhiều tiềm năng để nhà đầu tư nước ngoài khai thác, rót vốn.

Đúng như dự đoán, từ cuối năm 2017 đến thời điểm này, nhiều khoản đầu tư quy mô lớn cùng mức độ trả giá cao đang cho thấy sức hấp dẫn ngày càng tăng lên của một bộ phận NHTM Việt. Dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục “đổ” vào các ngân hàng trong nước, với nhiều thương vụ hợp tác giữa ngân hàng Việt và nhà đầu tư nước ngoài đã được ký kết.

Mới nhất, trong tháng 3 vừa qua, Techcombank đã công bố thông tin về khoản đầu tư lên tới hơn 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) từ hai nhà đầu tư pháp nhân độc lập được quản lý bởi Warburg Pincus. Với hơn 370 triệu USD, hệ thống NHTM cổ phần Việt Nam đã được bổ sung một khoản đầu tư không nhỏ từ khối ngoại.

Trước Techcombank, nhiều ngân hàng trong nước cũng đã thành công trong việc thu hút vốn đầu tư từ khối ngoại. Điển hình như VPBank với 250 triệu USD, HDBank với 300 triệu USD, hay TPBank với 40 triệu USD… Trong đó, thương vụ của HDBank gây chú ý đặc biệt với sự xuất hiện nhiều định chế tài chính lớn đang đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam như: Credit Saison (Nhật Bản), Deutsche Bank AG (Đức), JP Morgan Vietnam Opportunities Fund, CAM Bank (Nhật Bản), Dragon Capital (Anh)…

Theo nhận định của chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, năm 2018, vốn đầu tư nước ngoài đổ vào các nhà băng Việt Nam có thể trở thành một xu hướng, bởi kết quả kinh doanh khởi sắc của ngành ngân hàng trong năm 2017 sẽ tạo tiền đề cho năm 2018. Bên cạnh đó, việc các NHTM Việt Nam được các tổ chức uy tín trên thế giới ghi nhận có sự cải thiện, nâng hạng trong thời gian qua cũng làm tăng sức hấp dẫn của các nhà băng đối với nhà đầu tư nước ngoài. 

Kỳ vọng làn sóng đầu tư mới

Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo, nhiều khả năng sẽ có một làn sóng đầu tư mới của nhà đầu tư nước ngoài vào các NHTM trong nước. Điều này có ý nghĩa tích cực trong xu thế hội nhập, bởi để tăng cường cạnh tranh và khẳng định vị thế, các ngân hàng trong nước sẽ lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài có tiềm lực tài chính vững mạnh và uy tín hàng đầu tham gia mua cổ phần.

Việc hợp tác này cũng sẽ giúp các ngân hàng trong nước nâng tầm vị thế, mở rộng cơ hội đầu tư phát triển kinh doanh. Đó cũng là lý do vì sao thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng đã đề xuất nới “room” cho đối tác ngoại để nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh của các NHTM trong nước.

Lý giải về sự hấp dẫn của các NHTM, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, hiện các NHTM đang trích lập dự phòng gần hết số nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản đang ấm dần lên, trong khi đa số các khoản nợ xấu đều có tài sản bảo đảm là bất động sản. Vì vậy trong thời gian tới, khi xử lý được tài sản bảo đảm, các ngân hàng sẽ có được khoản thu tốt.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, các nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy nhiều tiềm năng từ thị trường tài chính Việt Nam. Đầu tư, củng cố về quản trị, công nghệ là những việc nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi rót vốn vào các nhà băng nhằm khai thác mảnh đất màu mỡ trong phát triển dịch vụ tài chính qua di động.

Cũng theo ông Hiếu, sau giai đoạn đầu tái cơ cấu hệ thống với nhiều khó khăn (2011 - 2015), hệ thống NHTM Việt Nam đang ở giữa giai đoạn hai của tái cơ cấu (2016 - 2020) với những nét chuyển động mới và tích cực hơn. Với những cải tiến mạnh mẽ, ngành ngân hàng đang mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, quản trị.

Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa ký kết cũng mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài khi có rất nhiều điều khoản liên quan đến các ngân hàng nước ngoài có thể hoạt động tại một trong những quốc gia thành viên của CPTPP mà ko cần phải mở chi nhánh.

 Theo Đấu Thầu