Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Hồ Tiến Thiệu phát biểu tại buổi gặp mặt
Đến dự buổi gặp mặt có, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Hồ Tiến Thiệu; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Nông Phương Đông; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Nguyễn Quang Huy cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành, lãnh đạo một số huyện, thành phố, các chuyên gia và các cơ quan báo chí Văn phòng đại diện và thường trú tại Lạng Sơn.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh: Báo chí đã làm tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng và chính quyền, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Báo chí đã tiếp cận và phản ánh những sự việc, nội dung, đề tài bằng cách nhìn đa chiều, góp phần chuyển tải thông tin kịp thời, mang lại hiệu ứng xã hội tích cực và trở thành kênh thông tin thu hút sự quan tâm rộng rãi của người dân trong và ngoài tỉnh.
Thông qua báo chí, người dân có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, làm giàu tri thức, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Báo chí cũng góp phần đưa ra ánh sáng để đấu tranh, từng bước loại bỏ tiêu cực trong xã hội; cũng qua báo chí mà nhiều mảnh đời bất hạnh được cộng đồng dang tay chia sẻ, giúp đỡ... Những người làm báo đã góp phần tạo nên một bầu không khí cởi mở, một xã hội ngày càng dân chủ hơn, tạo nên một nguồn lực mới để tỉnh Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung vững vàng bước sang giai đoạn mới.
Những năm qua, báo chí luôn đồng hành với tỉnh Lạng Sơn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Thông qua báo chí, nhiều chương trình kinh tế lớn của tỉnh đã lan tỏa, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Lạng Sơn tháng 9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tỉnh Lạng Sơn cần tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, dựa trên ba trụ cột chính: Kinh tế cửa khẩu; Du lịch bền vững; Nông nghiệp thông minh gắn với công nghiệp chế biến thực phẩm.
Để thực hiện được những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh Lạng Sơn xác định, báo chí truyền thông là lực lượng quan trọng cần được khai thác và phát huy hiệu quả. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chương trình, kế hoạch cụ thể như Kế hoạch số 88/KH-UBND, ngày 26/5/2020 của UBND tỉnh triển khai thực hiện chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Đề án tổ chức giải báo chí Lạng Sơn... qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích, thực hiện chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, vừa là diễn đàn của nhân dân.
Trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn mong muốn, các cơ quan báo chí tiếp tục bám sát quan điểm chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, diễn biến tình hình trong và ngoài tỉnh để phản ánh một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời về đời sống xã hội, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân. Bao chí và các nhà báo phải thể hiện được chính nghĩa, phản ánh được “dòng chảy chính” của xã hội, của đất nước như Thủ tướng Chính phủ đã nói là “phải phò chính, diệt tà”. Nhất là trong bối cảnh truyền thông xã hội đang phát triển như vũ bão hiện nay, người làm báo mang tới nhiều cơ hội, nhưng cũng đầy thách thức, gian nan.
Hơn lúc nào hết, đội ngũ những người làm báo cần trau dồi bản lĩnh, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, giữ vững giá trị cốt lõi và khẳng định sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam. Mỗi bài viết, bản tin đều phải lan tỏa những giá trị tốt đẹp và năng lực tích cực, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc, khát vọng phấn đấu vươn lên xây dựng đất nước nói chung và quê hương Lạng Sơn nói riêng ngày càng giàu đẹp.
Quang cảnh buổi gặp mặt
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, PGS, TS. Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa quan hệ Quốc tế (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng: Để phát huy vai trò của truyền thông với phát triển đô thị - du lịch Lạng Sơn, tỉnh cần hoàn thiện mô hình chiến lược về truyền thông hình ảnh Lạng Sơn đặc sắc bao gồm:
Thứ nhất, xác định rõ chủ thể của chiến lược truyền thông xây dựng hình ảnh Lạng Sơn đặc sắc được đặt dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn (có các cơ quan đơn vị chức năng trực thuộc làm tham mưu và triển khai hoạt động cụ thể, có cơ quan thường trực) theo một đường hướng thống nhất mang tính lâu dài và bền vững.
Trong đó, đối với mỗi giai đoạn có xác định các mục tiêu cụ thể ngắn hạn. Chủ thể của chiến lược truyền thông luôn bám sát thực tế và giúp lãnh đạo hoàn thiện các chính sách mang tính bao quát cho quá trình truyền thông.
Mục tiêu thu hút khách du lịch đến với Lạng Sơn luôn gắn kết với mục tiêu thu hút nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện của tỉnh trong suốt quá trình thực hiện các chiến dịch truyền thông.
Thứ hai, nội dung truyền thông cần xác định rõ vấn đề hình ảnh Lạng Sơn đặc sắc gắn với hình ảnh của một miền biên ải xa xôi với những chiến tích lịch sử ghi vào sử sách. Hệ thống đền, chùa, di tích nổi tiếng như Tam Thanh, Nhị Thanh, Hòn Vọng phu...còn lưu giữ trong ca dao, văn thơ...
Thứ ba, báo chí truyền thông là phương tiện và công cụ đắc lực trong việc thực hiện việc chuyển tải những nội dung cơ bản nêu trên. Cần một chính sách về thông tin đối ngoại của tỉnh thống nhất trong chiến lược quốc gia, trong đó có công tác thông tin quảng bá hình ảnh vùng miền rất được coi trọng.
Giải pháp cơ bản về truyền thông hình ảnh một Lạng Sơn đặc sắc tập trung ở hai vấn đề chính là: Sử dụng lực lượng báo chí, truyền thông đại chúng của cơ quan, tổ chức nhà nước kết hợp với lực lượng truyền thông xã hội, truyền thông cá nhân, sử dụng các kênh tiếp cận công chúng đông đảo, hướng ra bên ngoài địa giới hành chính và bên ngoài biên giới quốc gia để chuyển tải những nội dung đã được xác đinh. Nắm bắt và phân loại công chúng đích của mỗi chiến dịch truyền thông cụ thể ngắn hạn và chiến lược truyền thông lâu dài.
Cũng tại buổi Hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà quản lý và các nhà báo đã phát biểu tham luận, gợi mở những giải pháp, góp phần giúp Lạng Sơn phát huy hiệu quả vai trò của truyền thông đối với phát triển đô thị - du lịch cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguyễn Kiên