Hiện tỉnh Lạng Sơn có 454 cơ sở giáo dục hoà nhập với 1.501 lớp có học sinh khuyết tật học hòa nhập. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên hỗ trợ người khuyết tật (NKT) là 4.577 người. Qua khảo sát của Ban Văn hoá xã hội HĐND tỉnh lạng Sơn, toàn tỉnh có 1.894 học sinh khuyết tật đang tham gia giáo dục hòa nhập, trong đó có 1.697 em đang học trong các cơ sở công lập; 197 em học tại cơ sở ngoài công lập. Đối với 6 cơ sở giáo dục ngoài công lập, hiện nay có 2 đơn vị đã được cấp phép thành lập và tổ chức hoạt động giáo dục hoà nhập.

Thực hiện các chính sách, pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với NKT nói chung, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành các kế hoạch tổ chức thực hiện theo giai đoạn và hằng năm; chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai; chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã, các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện trợ giúp học sinh là NKT.

Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản và tổ chức triển khai các chính sách pháp luật quy định về giáo dục hoà nhập đối với học sinh là NKT trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện đồng bộ. Hiện nay chỉ có huyện Cao Lộc thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy NKT theo phương thức giáo dục hoà nhập từ năm học 2014- 2015 đến nay; thành phố Lạng Sơn và 9 huyện còn lại trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chưa thực hiện.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã tập trung làm rõ ý kiến chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh Lạng Sơn và các ban HĐND tỉnh Lạng Sơn với nhiều nội dung như: hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách; nguyên nhân việc thực hiện chưa thống nhất trong các cơ sở giáo dục; giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế.  Việc giám định mức độ khuyết tật của NKT, công tác đào tạo nghề cho học sinh khuyết tật; việc cấp giấy phép hoạt động, tạo điều kiện về mặt bằng, thực hiện chính sách ưu đãi cho giáo viên và NKT đang được giáo dục hoà nhập tại các cơ sở ngoài công lập.

Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thị Hậu đề nghị: UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục hoà nhập ngoài công lập; đề xuất nhu cầu tuyển dụng nhân viên hỗ trợ giáo dục NKT đảm bảo theo quy định, phù hợp với tình hình thực tế.

Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh Lạng Sơn thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; triển khai việc thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập ngoài công lập; tăng cường tổ chức tập huấn các chính sách, chế độ liên quan giáo dục hoà nhập đối với giáo viên, cán bộ quản lý.

Triệu Thành