Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao giải cho những bài thi xuất sắc trong cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử truyền thống huyện Chi Lăng”. Cuộc thi được cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, thanh niên, học sinh, sinh viên ở các cơ quan, đơn vị, trường học tích cực hưởng ứng với gần 3.000 bài dự thi.

Lạng Sơn: Kỷ niệm 590 năm chiến thắng Chi Lăng và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì - Hình 1

Chiến thắng Chi Lăng đã ghi một mốc son chói lọi vào trang sử vàng của dân tộc, biểu thị nghệ thuật quân sự và tài thao lược kiệt xuất của Lê Lợi, Nguyễn Trãi. Chi Lăng là cửa ải phương Bắc trấn giữ giặc ngoại xâm. Gắn với các chiến thắng oanh liệt đó của dân tộc,  hàng trăm di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh.

Thiên nhiên cũng ưu ái cho mảnh đất này cảnh sắc thiên nhiên hùng vỹ với các địa danh du lịch nổi tiếng giống như cái tên mà dân gian đã đặt như Núi Phượng Hoàng, núi Mặt Quỷ, núi Ngọc, Mã Yên Sơn, núi Bàn Cờ, núi Tay Ngai, núi Kỳ Lân...

Chi Lăng còn được biết đến với những đặc sản nổi tiếng như: Na, hồi, ớt, bưởi, quýt, thuốc lá... Chính quyền và nhân dân huyện Chi Lăng đã xác định nông nghiệp là một ngành kinh tế thế mạnh và trọng điểm nên huyện đã thực hiện các chương trình, dự án trồng và phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Cây na là cây trọng điểm, huyện đã phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức lễ phát động trồng, chăm sóc na theo hướng hàng hoá an toàn về vệ sinh thực phẩm và bền vững như: cấp phát thuốc và tổ chức nhân dân triển khai bẫy bả, ruồi hại na đồng bộ, làm đường bê tông...

Từ sản xuất thủ công, truyền thống cho sản lượng, năng suất thấp sang áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất na an toàn, huyện Chi Lăng đã vận động, hỗ trợ nhân dân sản xuất na an toàn với gần 1.000 ha na đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận sản xuất na an toàn theo Thông tư 51/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT và theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap. Từ đó, cho sản lượng 15.000 tấn/vụ, tạo nguồn thu trên 300 tỷ đồng (chưa tính các dịch vụ phụ trợ).

Bên cạnh cây na, cây hồi được xác định là cây kinh tế mũi nhọn và chiến lược lâu dài của tỉnh Lạng Sơn nói chung và huyện Chi Lăng nói riêng. Huyện đã quy hoạch để dần hình thành vùng sản xuất tập trung và trở thành nguồn hàng hóa. Sản phẩm hoa hồi Chi Lăng được đánh giá là sản phẩm có chất lượng tốt hàm lượng tinh dầu cao.

Cây hồi phát triển tốt tại đây do phù hợp với loại đất và sinh trưởng ở địa hình cao. Người dân gắn bó với rừng hồi kiểu cha truyền con nối. Trồng một lần và cho thu hoạch cả trăm năm sau. Tinh dầu hồi là nguyên liệu quý sản xuất thuốc xoa bóp, tiêu hóa, chế biến những đồ mỹ phẩm, hương liệu...

Phát huy những truyền thống lịch sử đó, bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương, nhân dân quyết tâm phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình để xây dựng Chi Lăng ngày càng giàu đẹp.

Hoàng Thiệp