Xin Phó Chủ tịch chia sẻ sơ bộ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2022?
Năm 2022, tỉnh Lạng Sơn đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; dự kiến hoàn thành đạt và vượt 18/18 nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đã đề ra.
Sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế, kinh tế của tỉnh nhìn chung phục hồi nhanh và toàn diện; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ có bước tăng trưởng nhanh.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,13% (mục tiêu từ 7 - 7,5%), GRDP bình quân đầu người ước đạt 51 triệu đồng (tương đương 2.124 USD). Tỉnh đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, dự ước có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Tỉnh triển khai quyết liệt công tác đầu tư công, ước hết năm 2022, giá trị khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công các dự án là 2.995,5 tỷ đồng (đạt 89,7% kế hoạch).
Tổng thu NSNN hoàn thành dự toán giao đầu năm, ước đạt 7.909,87 tỷ đồng, (đạt 100,76%), trong đó thu nội địa 2.908 tỷ đồng (đạt 123,74% dự toán), thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 5.000 tỷ đồng (đạt 90,91% dự toán).
Hoạt động du lịch phục hồi, tổng lượng khách du lịch tăng mạnh so với cùng kỳ, ước đạt khoảng 3,5 triệu lượt khách (đạt 101,16% kế hoạch, tăng 115,66%); doanh thu du lịch ước đạt 2.100 tỷ đồng (đạt 80,77% kế hoạch, tăng 171,67%).
Ước cả năm tỉnh thành lập mới 490 doanh nghiệp, đăng ký thành lập 60 hợp tác xã; lũy kế toàn tỉnh có 3.727 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 37.650 tỷ đồng và có 450 hợp tác xã, 02 liên hiệp hợp tác xã. Tỉnh chấp thuận chủ trương, cấp giấy chứng nhận đầu tư 19 dự án, tổng vốn đăng ký 3.015 tỷ đồng...
Năm 2022, bức tranh kinh tế của tỉnh có nhiều điểm sáng. Ông có chia sẻ gì về điều này?
Bước vào năm 2022, với quyết tâm chính trị cao, UBND tỉnh đã quyết liệt, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, đề ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, kịp thời, phấn đấu thực hiện đạt và vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh với phương châm điều hành “Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt phá”.
Tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch, phê duyệt nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành để tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ. Tỉnh triển khai hiệu quả chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn, ổn định đời sống nhân dân.
UBND tỉnh đã trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị để triển khai nhiệm vụ phát triển các ngành, lĩnh vực; trình HĐND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách làm cơ sở pháp lý triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện các Nghị quyết ngay sau khi được HĐND tỉnh thông qua.
Tỉnh chủ động báo cáo, trực tiếp làm việc, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, các dự án trọng điểm của tỉnh, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung triển khai toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là 04 ngành, lĩnh vực kinh tế là đòn bẩy, trụ cột chính của địa phương.
Ngay từ đầu năm, lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, xây dựng nông thôn mới, công tác phòng chống dịch, tiêm vắc xin phòng Covid-19. Triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đề ra các giải pháp nâng cao chỉ số PCI, DDCI. Tổ chức tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh đã tổ chức các hội nghị chuyên đề, đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, thanh niên tỉnh, làm việc với các sở, ngành, các huyện, thành phố, chủ đầu tư, doanh nghiệp để kịp thời đề ra các giải pháp, tháo gỡ các khó khăn, các nút thắt trong phát triển kinh tế - xã hội; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ đã giao. Do đó, bức tranh kinh tế năm 2022 của tỉnh có nhiều điểm sáng, đạt nhiều kết quả tích cực.
Theo ông, đâu là “lực hút” để Lạng Sơn trở thành điểm sáng thu hút các nhà đầu tư?
Trên hành lang kinh tế Bắc - Nam thuộc hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, tỉnh Lạng Sơn là một trong những cửa ngõ và kết nối ASEAN với các tỉnh miền Tây Trung Quốc. Đây là lợi thế so sánh lớn so với các địa phương khác về phát triển kinh tế cửa khẩu.
Lạng Sơn có tiềm năng, thế mạnh về phát triển dịch vụ vận tải và logistics, du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp. Trong bối cảnh kết nối giao thông ngày càng thuận tiện hơn, các tỉnh, thành phố lân cận như Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh... đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế nhanh, Lạng Sơn có cơ hội liên kết phát triển mạnh mẽ với các địa phương này, nhất là các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Đối với các địa phương lân cận, việc kết nối với tỉnh Cao Bằng theo tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh , kết nối với Quảng Ninh qua tuyến cao tốc dọc theo quốc lộ 4B (đang chuẩn bị đầu tư) sẽ giúp tỉnh phát triển du lịch, dịch vụ logistics và vận tải. Kết nối với các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, tạo cơ hội phát triển các khu công nghiệp, các lĩnh vực du lịch, thương mại, hình thành các tuyến hành lang kinh tế liên tỉnh.
Tỉnh còn có thế mạnh là nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú và nhiều điều kiện văn hóa xã hội thuận lợi để thu hút đầu tư vào địa bàn.
Với ưu thế về quỹ đất, nhân công, kết nối giao thông, có thể trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Lạng Sơn có cơ hội phát triển mạnh các dự án điện gió để trở thành một trung tâm điện gió quan trọng ở khu vực miền Bắc. Việc phát triển các dự án hạ tầng giao thông, đẩy mạnh kết nối liên vùng và phát triển công nghiệp sẽ tạo cơ hội để tỉnh đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, mở rộng và nâng cấp đô thị cho thành phố Lạng Sơn và một số thị trấn, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Phó Chủ tịch có thể cho biết, hiệu quả của việc triển khai kế hoạch này đến nay như thế nào?
Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo chuyển số từ tỉnh đến cơ sở tạo nên sự đồng thuận, thống nhất trong chỉ đạo triển khai nhằm đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Đến nay, tỉnh đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về chuyển đổi số và đã đạt được những kết quả quan trọng, cụ thể.
Các nhiệm vụ trên 05 trụ cột chuyển đổi số là chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, cửa khẩu số đã hoàn thành đồng bộ, tương đối hoàn chỉnh, rõ nét mô hình chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn. Nhận thức của các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số được nâng lên rõ nét.
Trên toàn tỉnh đã kiện toàn 1.680 Tổ công nghệ số cộng đồng với 7.856 thành viên, là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số các cấp, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân.
Lạng Sơn đã tạo ra không gian số rộng lớn, thống nhất của cấp ủy, chính quyền kết nối với người dân và doanh nghiệp, ứng dụng đầy đủ các công nghệ số, như: điện toán đám mây, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo và đặc biệt Lạng Sơn đã sử dụng 100% nền tảng số ứng dụng Make in Vietnam… với mức đầu tư từ ngân sách nhà nước thấp nhất; các doanh nghiệp cung cấp các giải pháp xuất sắc nhất và sự sẵn sàng, hưởng ứng cao nhất của người dân và doanh nghiệp.
100% trường học sử dụng nền tảng số dạy và học trực tuyến; 100% giáo viên sử dụng chữ ký số, bỏ hoàn toàn học bạ và bảng điểm giấy; 100% người dân và doanh nghiệp có trợ lý ảo hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính; 100% Cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh hoạt động trên nền tảng Lạng Sơn Cloud Make-in-VietNam; 100% hoạt động của chính quyền các cấp từ tỉnh đến xã đưa lên trên nền tảng số; 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 04 phục vụ người dân và doanh nghiệp trên nền tảng số; 100% các phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh đã khai báo và được xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số.
Các cơ sở dữ liệu dùng chung được liên thông qua trục LGSP của tỉnh; Khai trương và đưa vào sử dụng Cổng thông tin dữ liệu đất đai, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh; Triển khai xây dựng giải pháp, nền tảng số ATM mềm; Kinh tế số được đẩy mạnh và triển khai rộng khắp các lĩnh vực kinh tế; An toàn, an ninh mạng là then chốt trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh đã thăng hạng từ hạng C lên hạng B.
Kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số - DTI năm 2021 của tỉnh Lạng Sơn xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố (tăng 11 bậc so với năm 2020), vào top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số. Lạng Sơn đã được nhận giải thưởng VietSolutions 2022 cho Bài toán chuyển đổi số xuất sắc cho địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn đã vinh dự là 01 trong 07 cơ quan, đơn vị trong toàn quốc đạt giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” với Nền tảng cửa khẩu số…
Nhân dịp Xuân mới Quý Mão 2023 sắp đến, tôi xin chúc lãnh đạo, Ban biên tập, biên tập viên, các nhà báo, phóng viện, nhân viên Tòa soạn TH&CL sức khỏe, hạnh phúc, tràn đầy năng lượng mới, để tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực cho nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!
Nguyễn Kiên (Thực hiện)