THCL Mới đây Bộ Công Thương đã có buổi làm việc cùng lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn về việc triển khai xây dựng khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn. Khu trung chuyển hàng hóa sẽ có vai trò không chỉ trong việc giải quyết ách tắc hàng hóa, mà còn là khu vực để đóng gói, bảo quản và đặc biệt là đàm phán giá giữa các thương gia Trung Quốc và Việt Nam.
Xe chở nông sản đậu chật kín trong kho bãi của cửa khẩu
Được biết, từ năm 2009, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt quy hoạch Khu trung chuyển hàng hóa thuộc 2 xã Thụy Hùng và Phú Xá, huyện Cao Lộc. Với tổng diện tích trên 143 ha, với hơn 80% diện tích là đồi. Khu này cách thành phố Lạng Sơn 10km, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và Cốc Nam 5km, cách cửa khẩu Bảo Lâm 15km, cách cửa khẩu Tân Thanh 16km, cách ga quốc tế Đồng Đăng 2km và cách Chi Ma 50km.
Trên cơ sở quy hoạch chung của tỉnh, năm 2010, tỉnh đã kêu gọi các nhà đầu tư để xây dựng các kế hoạch thành lập Khu trung chuyển hàng hóa. Theo Quyết định số 1682/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Khu trung chuyển hàng hóa thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (giai đoạn 1), hiện Chủ đầu tư của Dự án là Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn với tổng mức đầu tư là 986 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, trong những năm qua, hàng hóa, nông sản đi qua các cửa khẩu Lạng Sơn rất lớn, bình quân 1200 xe/ngày. Gần 100% dưa hấu và khoảng 2/3 lượng vải xuất khẩu chủ yếu được vận chuyển qua các cửa khẩu của Lạng Sơn.
Theo đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, việc đầu tư phát triển Khu trung chuyển hoàn toàn phù hợp với quá trình hội nhập của Việt Nam và để xuất tỉnh Lạng Sơn cần có Đề án cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ về những cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp.
Các nhà chuyên môn cho rằng với công năng như một khu trung chuyển hàng hóa, nhưng nếu theo xây dựng dưới hình thức khu phi thuế quan thì sẽ rất thuận lợi. Ưu việt của khu phi thuế quan là có kho, bãi, có khu kiểm dịch, kiểm tra chất lượng hàng hóa, đặc biệt, hàng hóa đưa vào đó không hạn chế thời gian.Trong khu phi thuế quan cũng có thể tổ chức hội chợ, triển lãm, đóng gói, phân loại, bảo quản hàng hóa, rất thuận tiện.
Sau khi hoàn thiện và đi vào sử dụng, Khu trung chuyển hàng hóa sẽ giải quyết một cách hiệu quả tình trạng ách tắc hàng hóa như hiện nay, đặc biệt là khi vải thiều đang vào mùa; đồng thời giúp thương nhân Trung Quốc có thể trực tiếp sang Việt Nam tìm hiểu, trao đổi thị trường và ngược lại.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc quả vải xuất khẩu, cuối tháng 5 vừa qua, tại thành phố Lạng Sơn, UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị Xúc tiến xuất khẩu vải thiều năm 2015. Tham dự có đại diện Bộ Công thương, Chính quyền nhân dân thị Bằng Tường (Trung Quốc); các doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam và Trung Quốc. Tại hội nghị các đại biểu đã thảo luận đưa ra các vấn đề quan trọng trong thực hiện kinh doanh xuất nhập khẩu vải quả qua thị trường Trung Quốc. Ông Bùi Văn Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, năm nay tổng sản lượng vải thiều của địa phương ước đạt 160 nghìn tấn quả tươi; xuất khẩu khoảng 64.000 tấn, chủ yếu sang Trung Quốc, qua cửa khẩu Lạng Sơn. Vẫn như mọi năm, Bắc Giang chú trọng đến thị trường lớn, truyền thống là Trung Quốc. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh: Lạng Sơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để quả vải có thể xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, nhất là tại khu vực cửa khẩu tăng cường thêm nhân sự, thời gian làm việc và xử lý các tình huống linh hoạt để các xe hàng có thể xuất sang Trung Quốc nhanh chóng, thuận lợi, hạn chế việc ảnh hưởng đến chất lượng quả vải. Đồng thời, các lực lượng chức năng làm công tác an ninh cần đảm bảo an toàn cho các thương nhân, doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản có mặt trên địa bàn tỉnh trong thời gian cao điểm, chính vụ. Bà Chu Bình, Phó thị trưởng thị trấn Bằng Tường (Trung Quốc) cho biết sẽ chỉ đạo các ngành chức năng đang làm việc tại cửa khẩu biên giới giáp với Lạng Sơn giảm thủ tục xuất nhập khẩu, tăng thêm giờ làm việc, đảm bảo giao thông thông suốt trong quá trình tiêu thụ vải thiều của VN sắp tới. |
Đặng Sinh.