Tại đây, các đại biểu đã thành kính dâng hoa, dâng hương và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu quên mình vì độc lập tự do của Tổ quốc. Tiếp đó, các đại biểu đã tham quan khu hầm bí mật, hầm nổi tại Khu Di tích.
![Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh dâng hương, dâng hoa tại Di tích căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định tỉnh Bến Tre Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh dâng hương, dâng hoa tại Di tích căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định tỉnh Bến Tre](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2022/07/31/lanh-dao-1659253615.jpg)
Được biết, cách đây 50 năm, vào tháng 07/1969, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư, hai đồng chí Trần Bạch Đằng và Mai Chí Thọ làm Phó bí thư đã lãnh đạo, chia thành nhiều bộ phận nhỏ, bằng nhiều hình thức bí mật di chuyển đến căn cứ xã Tân Phú Tây. Tuy thời gian đóng tại đây không dài nhưng Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã để lại những dấu mốc lịch sử đáng nhớ, đó là nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo Đảng.
Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định qua những tư liệu lịch sử hiện vẫn còn được tỉnh bảo tồn, giới thiệu tại di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia cùng tên, tọa lạc tại xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Đây là một trong những địa điểm di tích thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tham quan hàng năm.
Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định còn có mật danh là T4, Y4, là cơ quan đầu não chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mỹ ở khu vực đô thị Sài Gòn - Gia Định, được chuyển về đóng tại xã Tân Phú Tây và Thành An vào thời điểm như đã nêu. Đây là vùng mới giải phóng, nhân dân kiên cường, có trình độ giác ngộ chính trị cao, địa hình lại rất hiểm trở, nhiều kênh rạch chia cắt, có nhiều vườn dừa liên tiếp che chắn, địch không thể đổ quân bằng xe cơ giới, thiết giáp, kể cả việc dùng trực thăng đổ quân cũng bị nhiều hạn chế.
Sau chiến tranh, vùng căn cứ gần như bị phá hủy hoàn toàn. Để nhắc nhớ sự kiện ấy, tháng 11/1997, Đảng bộ và nhân dân tỉnh đã phục chế lại hai hầm trú ẩn: Hầm số 1 là nơi hội họp điện đài cơ yếu và hầm số 2 là nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt và sau đó mở rộng khoảng 2ha xây dựng thêm một số hạng mục. Di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 23/12/1995.
Sau lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm, Đoàn công tác đã đến thăm và tặng quà 20 gia đình chính sách có công với cách mạng và gắn với khu ủy Sài Gòn - Gia Định.
![Nguyễn Văn Hiếu trao quà cho gia đình chính sách có công với cách mạng và gắn với khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Nguyễn Văn Hiếu trao quà cho gia đình chính sách có công với cách mạng và gắn với khu ủy Sài Gòn - Gia Định.](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2022/07/31/lanh-dao-2-1659253615.jpg)
Gặp gỡ đại diện các gia đình chính sách gắn liền với Di tích Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu ân cần thăm hỏi sức khỏe, động viên và cảm ơn các cựu chiến binh đã có nhiều cống hiến cho độc lập tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Đoàn cũng đến thăm, tặng quà các chiến sĩ tình nguyện là bác sĩ của Viện Y dược học dân tộc TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện hoạt động khám, phát thuốc chữa bệnh và tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Nguyễn Tùng