Lào Cai triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trong bối cảnh nhiều thách thức, khó khăn; đặc biệt chịu thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão. Để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đã đặt ra, ngay từ đầu năm, các huyện có xã nghèo đã chỉ đạo phòng, ban, đơn vị, xã nghèo bám sát vào các mục tiêu Nghị quyết, Kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để xây dựng kế hoạch, chương trình hành động; kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai Nghị quyết, Kế hoạch được các cấp, các ngành tích cực thực hiện bằng nhiều hình thức, tạo sự chuyển biến lớn trong nhận thức của người dân. Năm 2024 đã phát hành hơn 40.000 tin, bài tuyên truyền các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước, tỉnh Lào Cai; trong đó nhiều thông tin phản ánh về chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội, các chính sách giảm nghèo… Nhiều chương trình được dịch sang các tiếng dân tộc (Mông, Dao, Giáy) phát trên sóng phát thanh - truyền hình.

Mô hình nuôi lợn giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững (Ảnh: LCĐT)
Mô hình nuôi lợn giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững (Ảnh: LCĐT)

Đến nay 10 xã nghèo có 192 cán bộ, công chức; trong đó 94,8% cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ Cao đẳng trở lên; tăng 01% so với năm 2023. Công tác kiện toàn các chức danh chủ chốt xã được chủ động thực hiện; trong năm đã bố trí cán bộ, công chức cấp huyện tăng cường về 07/10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh. Cử 103 lượt cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước…

Để góp phần giảm nghèo tại 10 xã, năm 2024, các cấp, ngành đã tổ chức 08 lớp đào tạo nghề xây dựng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn cho 280 lao động; thực hiện tuyển sinh, đào tạo các trình độ 367 người; tổ chức 11 hội nghị tuyên truyền, phiên giao dịch việc làm thu hút 461 lao động tham gia; giải quyết việc làm cho 815 lao động. Phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS học lên THPT, giáo dục thường xuyên và học nghề đạt 68,5%.

Hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn để tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, từ đó nâng cao đời sống của người dân. Tổng dư nợ cho vay tại 10 xã năm 2024 đạt gần 348,4 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2023, tỷ lệ nợ xấu dưới 01%. Đến hết năm 2024 có 30 danh mục dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai tại 10 xã nghèo từ các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 với tổng kinh phí gần 26,2 tỷ đồng. Đầu tư cơ sở hạ tầng cho 10 xã nghèo tiếp tục được quan tâm với tổng số 235 công trình/gần 914 tỷ đồng; đến hết năm 2024 đã giải ngân đạt 74% kế hoạch giao.

Các cấp, các ngành và các đồng chí lãnh đạo được phân công giúp đỡ xã đã thường xuyên xuống cơ sở, phối hợp với chính quyền địa bàn nắm bắt tình hình triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; đề xuất kịp thời giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho xã trong quá trình thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện dự án được giao cho xã đầu tư theo các Chương trình MTQG trên địa bàn; giải pháp hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Năm 2024 đã vận động giúp đỡ 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo hơn 3,5 tỷ đồng.

Trong năm 2024 có 646 hộ dân ở 10 địa phương này đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo, tương ứng với tỷ lệ giảm nghèo 11,06%. Qua đó giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 50,54% xuống còn 39,48% (tương đương số hộ nghèo còn lại 2.478 hộ), đạt và vượt 103% so với mục tiêu kế hoạch năm. Về xây dựng nông thôn mới, tính đến hết năm 2024, bình quân 10 xã đạt 7,1 tiêu chí/xã (đánh giá theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025), tăng trung bình 1,3 tiêu chí/xã so với năm 2023.

Trong năm 2025, 10 xã nghèo nhất tỉnh cần nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo tối thiểu 19,5% (giảm từ 39,5% xuống dưới 20%) theo quy định về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 - đây là thách thức đối với cấp ủy, chính quyền trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Để thực hiện mục tiêu này, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các Chương trình MTQG trên địa bàn xã; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với các khu vực đặc biệt khó khăn; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã; tổ chức tốt các phiên giao dịch việc làm, tư vấn chính sách, kết nối thông tin thị thường lao động; huy động tối đa các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi đáp ứng nhu cầu vốn vay cho các tổ chức, cá nhân tại các xã; triển khai một số mô hình sản xuất nông lâm nghiệp của địa phương mang giá trị kinh tế hàng hóa; tiếp tục rà soát, đầu tư cơ sở hạ tầng cho 10 xã…

Nguyễn Mạnh

.