Trong bài viết trước đó “Mỹ phẩm Mint Cosmetics: Một số hàng hoá nước ngoài bày bán không có tem nhãn phụ Tiếng Việt” đăng tải ngày 8/7/2024, phóng viên đã phản ánh thực trạng hàng hoá tại đây. Theo đó, vào năm 2022, PV nhận thấy có nhiều sản phẩm chỉ toàn tiếng nước ngoài, không có tem nhãn phụ Tiếng Việt, vi phạm quy định về nhãn hàng hoá tại Việt Nam.
Sau hai năm, những ngày đầu tháng 7/2024, hệ thống mỹ phẩm Mint Cosmetics đã mở rộng tới 14 cửa hàng tại Hà Nội. Phóng viên đã quay trở lại “mục sở thị” tại hệ thống cửa hàng mỹ phẩm Mint Cosmetics như tại số 23 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân Hà Nội và 72 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội. Qua ghi nhận, phóng viên nhận thấy tại đây đã bổ sung rất nhiều tem nhãn phụ Tiếng Việt đối với các sản phẩm nước ngoài, đảm bảo thông tin rõ ràng về nơi sản xuất, công ty nhập khẩu, phân phối, cách sử dụng, ngày sản xuất, hạn sử dụng… đến người dùng và tuân thủ quy định pháp luật về nhãn hàng hoá. Tuy nhiên, vẫn còn đó một số mặt hàng toàn chữ nước ngoài mà không có tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định.
Bên cạnh đó, điều đáng chú ý là sau khi mua hàng tại đây, khách hàng chỉ nhận được hoá đơn bán hàng lẻ, không có thông tin về việc xuất hoá đơn giá trị gia tăng VAT. Với những hoá đơn trên 200.000 đồng, nhân viên tại đây cũng không chủ động liên hệ với khách hỏi về nhu cầu xuất hoá đơn giá trị gia tăng VAT theo quy định pháp luật.
Hơn nữa, việc thanh toán của khách hàng cũng là chuyển khoản tiền đến tài khoản ngân hàng cá nhân mang tên Lê Tuấn Linh – Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội, chứ không tới tài khoản ngân hàng của Công ty.
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ làm việc với Chi cục Thuế quận Đống Đa. Sau 1 tuần chờ đợi, ngày 26/7/2024, phóng viên đã làm việc với ông Nguyễn Hữu Thức, cán bộ Đội kiểm tra Thuế số 2, Chi cục Thuế quận Đống Đa.
Tại buổi làm việc này, ông Thức yêu cầu phóng viên cung cấp các thông tin về hoá đơn mua hàng của khách hàng và nói đây là căn cứ để mời Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Mỹ phẩm Hoàng Lê Vũ lên làm việc, sẽ thông tin đến phóng viên sau. Tại buổi làm việc này, phóng viên cung cấp 3 hoá đơn mua hàng tại 3 cửa hàng là 23 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân; 72 Trần Phú, Hà Đông; và 104A1 P.Phạm Ngọc Thạch, Kim Liên, Đống Đa.
Sau khi kiểm tra thông tin, ông Thức cho biết, hoá đơn mua hàng tại cửa hàng 23 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân và 72 Trần Phú, Hà Đông đăng ký là hộ kinh doanh không thuộc Công ty, họ nộp thuế theo hình thức kê khai. Chỉ có hoá đơn mua hàng tại cửa hàng 104A1 P.Phạm Ngọc Thạch, Kim Liên, Đống Đa là đăng ký địa điểm kinh doanh của công ty nên sẽ làm việc với Công ty tại điểm này.
Đến ngày 15/8/2024, sau 20 ngày kể từ ngày cung cấp hồ sơ, ông Thức đã cung cấp thông tin đến báo chí rằng, Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Mỹ phẩm Hoàng Lê Vũ đã xuất hoá đơn VAT theo hoá đơn mua hàng báo chí phản ánh rồi. Ngoài ra, khi phóng viên yêu cầu được cung cấp biên bản làm việc và kết luận liên quan, ông Thức nói không được.
Tuy nhiên, phóng viên nhận thấy rằng hoá đơn này xuất ngày 31/7/2024, còn ngày mua hàng là ngày 5/7/2024, rõ ràng có sự không trùng khớp ngày giao dịch. Trong khi đó, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ như sau: Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa (bao gồm cả bán tài sản nhà nước, tài sản tịch thu, sung quỹ nhà nước và bán hàng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Căn cứ Điều 24 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ như sau:
Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ; Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này.
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1, khoản 3 Điều này;…".
Trước thắc mắc này, phóng viên đặt lại câu hỏi với ông Thức về sự khác biệt ngày xuất hoá đơn, có đúng theo quy định không, ông Thức mới nói: “Bên anh mới xử phạt Công ty 6 triệu vì hành vi lập hoá đơn không đúng thời điểm”.
Quyết định xử phạt số 37361/QĐ-CCT-KTr2-XPVPHC ngày 15/8/2024 của Chi Cục trưởng Chi cục Thuế quận Đống Đa ghi rõ: "Xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Hoàng Lê Vũ, mã số thuế 0108725509. Địa chỉ trụ sở chính: Số 5, ngõ 55 Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội. Số giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh 0108725509 ngày cấp 06/05/2019. Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Tuấn Linh, chức danh Giám đốc, đã có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế: Lập hoá đơn không đúng thời điểm quy định của pháp luật về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo quy định tại Khoản 4, Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.
Hình thức xử phạt hành chính: Phạt tiền 6.000.000 đồng. Quyết định xử phạt có hiệu lực từ ngày 15/8/2024. Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Hoàng Lê Vũ phải nộp tiền phạt, khắc phục hậu quả vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước quận Đống Đa trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt".
Có thể thấy rằng, sau khi phóng viên làm việc với Chi cục Thuế quận Đống Đa và cung cấp hồ sơ liên quan ngày 26/7/2024, đến ngày 31/7/2024, phía Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Mỹ phẩm Hoàng Lê Vũ mới xuất hoá đơn giá trị gia tăng VAT cho khách hàng, dẫn đến việc lập hoá đơn không đúng thời điểm theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu như không có phản ánh trên, liệu Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu Hoàng Lê Vũ có xuất hoá đơn giá trị gia tăng VAT theo đúng quy định pháp luật hay không, bởi Công ty này yêu cầu khách hàng thực hiện thanh toán chuyên khoản vào tài khoản ngân hàng cá nhân của giám đốc Công ty Lê Tuấn Linh? Và với phần lớn khách hàng cá nhân không có nhu cầu lấy hoá đơn giá trị gia tăng VAT, việc này có tạo nên lỗ hổng lớn về thuế?
Theo quy định, với các giao dịch mua, bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ có giá trị từ 200 nghìn đồng trở lên, cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh phải có trách nhiệm xuất hóa đơn VAT cho người mua. Nếu người mua không nhận được hóa đơn VAT, thì đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ có thể dễ dàng ăn chặn thuế VAT 10%, bằng cách coi như chưa từng có giao dịch này, hoặc ghi số tiền trong hóa đơn thấp hơn nhiều so với số tiền đã thu của khách hàng.
Việc “lờ” xuất hóa đơn VAT có giá hơn 200 nghìn đồng, cũng “lờ” không xuất hóa đơn VAT chung có giá dưới 200 nghìn đồng, các nhà hàng có khả năng trốn thuế VAT ở mọi loại giá, đồng thời trốn luôn cả một phần thuế thu nhập, từ đó các đơn vị kinh doanh dễ dàng trục lợi.
Theo các chuyên gia, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng gian lận thuế qua hóa đơn, các cơ quan thuế cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với những đơn vị có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, sớm hoàn thành việc rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật, bảo đảm thực thi hiệu lực, hiệu quả.
Trúc Mai