Ngày 31/7, Liên minh Châu Âu (EU) cho biết đã tiến hành viện trợ 150 triệu Euro (khoảng 162 triệu USD) cho chính quyền Palestine.

Đây là khoản viện trợ đầu tiên trong tổng số 400 triệu Euro tiền tài trợ khẩn cấp mà EU đã hứa hẹn dành cho Palestine. Trong một thông cáo, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula vonder Leyen nhấn mạnh Châu Âu sẽ vẫn duy trì viện trợ cho chính quyền Palestine, nhất là trong thời điểm khó khăn như hiện nay.

EU cho biết kế hoạch viện trợ nhằm mục đích khôi phục sự cân bằng tài chính cho chính quyền Palestine vào năm 2026. Ảnh: Le Parisien
EU cho biết, kế hoạch viện trợ nhằm mục đích khôi phục sự cân bằng tài chính cho chính quyền Palestine vào năm 2026. Ảnh: Le Parisien

Thông cáo cũng nêu rõ, 150 triệu Euro đầu tiên sẽ gồm các khoản tài chính để giúp Chính quyền Palestine có thể trả lương cho các công chức ở Bờ Tây và hỗ trợ những gia đình dễ bị tổn thương. Phần tiền còn lại dự kiến sẽ được giải ngân vào tháng Tám và tháng Chín với điều kiện chính quyền Palestine "phải đạt được những tiến bộ trong việc thực hiện chương trình cải cách" của mình.

EU cho biết thêm kế hoạch viện trợ nhằm mục đích khôi phục sự cân bằng tài chính cho chính quyền Palestine vào năm 2026, đồng thời nhấn mạnh đầu tháng Chín, Ủy ban Châu Âu sẽ đề xuất dự luật "Chương trình toàn diện nhằm phục hồi và ổn định Palestine".

Trên thực tế, chính quyền Palestine vẫn luôn phải đối mặt với vấn đề khủng hoảng tài chính trong nhiều năm trở lại đây khi một số quốc gia đã quyết định ngừng các khoản tài trợ trị giá 6 tỷ USD, tương đương gần 1/3 ngân sách trước các vấn đề về tham nhũng và lãng phí.

Và những xung đột gần đây tại Dải Gaza càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, nhất là trong bối cảnh Israel quyết định giữ lại doanh thu thuế dành cho Palestine. Đến thời điểm hiện tại, EU là nhà tài trợ quốc tế chính cho Palestine với tổng các khoản viện trợ lên đến hơn 1,2 tỷ Euro (1,3 tỷ USD) liên tục từ năm 2021 đến 2024.

Về phần mình, chính quyền Palestine hoan nghênh khoản tài trợ của EU, coi đây là "một bước quan trọng góp phần làm giảm bớt cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế" mà người dân đang trải qua.

Nền kinh tế Palestine phần lớn được quản lý theo Nghị định thư Paris năm 1994, cho phép Israel kiểm soát biên giới các vùng lãnh thổ và cùng với đó là quyền thu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng cho chính quyền Palestine. Kể từ khi cuộc xung đột tại Dải Gaza nổ ra vào ngày 7/10 năm 2023, Israel đã tăng cường kiểm soát các nguồn thu này và giữ lại phần lớn các khoản tiền thuế hải quan.

Theo VOV.vn