Theo quy định của Bộ VH - TT & DL, hướng dẫn viên đủ điều kiện hành nghề là người phải có mẫu thẻ hướng dẫn viên theo quy định. Tuy nhiên, lợi dụng việc nguồn nhân lực "giá rẻ" là những sinh viên đang học ngành du lịch, thậm chí chỉ cần có khiếu ăn nói là các công ty du lịch sẵn sàng nhận vào làm việc và dẫn tour như những hướng dẫn viên du lịch “chuyên nghiệp”!
Sinh viên bỏ học dẫn tour
Nhu cầu việc làm thêm của sinh viên chưa bao giờ “giảm nhiệt”. Nắm bắt được nhu cầu muốn kiếm thêm thu nhập đồng thời tích lũy kinh nghiệm của sinh viên ngành du lịch, nhiều công ty du lịch tuyển dụng thêm nguồn nhân lực giá rẻ và dồi dào với danh nghĩa "cộng tác viên" cho các tour với mức lương vô cùng "rẻ mạt" có khi chỉ bằng một nửa so với những hướng dẫn viên kỳ cựu trong nghề.
Bạn Hoa, sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội chia sẻ: "Lớp mình có nhiều bạn làm hướng dẫn viên cho các công ty du lịch, thậm chí có cả các công ty lớn. Tuy nhiên, vì quá ham đồng tiền kiếm được, mà nhiều bạn nghỉ học, bỏ học rồi bị nợ môn, có bạn bị lưu ban cũng chỉ vì kiếm tiền".
Cô Hoa, giảng viên ngành du lịch nhấn mạnh: "Tôi nghĩ rằng có nhiều gia đình khó khăn thật sự, nhưng nhiều em không khó khăn vẫn viện cớ giúp đỡ gia đình để bỏ học, rồi nợ môn. Nếu các em chuyên tâm học 4 năm đại học, ra trường đi làm vẫn chưa muộn".
Tại các điểm du lịch, có thể nhận thấy nhiều gương mặt còn khá trẻ đã dẫn các tour học sinh, thậm chí tour người lớn. Trao đổi với phóng viên, anh Hùng hướng dẫn viên thổ lộ: "Mình đi dẫn tour để được đi nhiều nơi và giúp gia đình. Hiện tại, mình đang học năm 3 Trường Cao đẳng Du Lịch và đã dẫn tour được gần một năm. Dẫn tour phải thật sự khéo, nếu là các em nhỏ thì hãy dặn các em rằng mình chỉ là anh trai đừng nói là hướng dẫn viên, nếu thanh tra có hỏi cũng không lo phạt vì không có thẻ hành nghề...".
Anh Thành, một khách du lịch chia sẻ: "Tôi không chấp nhận việc bị các công ty lữ hành lừa dối, dùng người lao động không có chuyên môn cũng như kinh nghiệm để hướng dẫn trong suốt hành trình, như thế có khác nào "móc túi" khách hàng”.
Theo tìm hiểu, nhiều hướng dẫn viên hiện nay không có bất cứ quyền lợi nào từ công ty du lịch, chỉ là cộng tác, "ăn xổi" sau mỗi chuyến đi. Chỉ duy nhất tiền dẫn tour mà không có chính sách đãi ngộ, hay bảo hiểm khi có sự cố xảy ra. Việc làm đó khác nào đặt mạng sống “miệng cọp" khi mà mỗi chuyến đi có không ít nguy hiểm rình rập, nhất là đối với hướng dẫn viên còn non trong nghề.
Việc sử dụng người lao động không có trình độ cũng như kinh nghiệm có khác nào đem đạo đức lữ hành ra để "kiếm cơm". Vấn đề này tồn tại đã nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm tình trạng trên.
Có hay không sự "thờ ơ" của Thanh tra Bộ VH - TT & DL, hay sự “lách luật” của các công ty lữ hành?
Nam Vũ