Mê hồn trận… kiểu tem
Tìm hiểu được biết, trên mỗi loại sản phẩm hoa quả NK đều có dán tem và trên chiếc tem ấy có một mã số được gọi là PLU code. Mã PLU code - sẽ hiển thị tất cả thông số về chất lượng sản phẩm.
Trên thị trường, thực phẩm sạch và bẩn đang tồn tại lẫn lộn, những con số này được nhiều người tiêu dùng đặc biệt quan tâm, coi đó là cách giúp phân biệt chất lượng các loại hoa quả. Vì thế, những chiếc tem dán trở thành “bùa hộ mệnh” của những loại hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng được đội lốt thành sản phẩm đến từ các nước khác.
Theo Tổng cục Hải quan, trái cây Trung Quốc chiếm hơn 50% trái cây NK vào Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, khảo sát tại các chợ đầu mối ở Hà Nội thì trái cây Trung Quốc gần như vắng bóng (?). Hầu hết, các loại táo, lê, nho, cam... đều được các tiểu thương giới thiệu là hàng NK từ Mỹ, New Zealand, Úc nguyên thùng.
Táo được dán tem nhập khẩu của Mỹ
Tại một số cửa hàng bán hoa quả, cùng một loại táo được giới thiệu New Zealand, nhưng có đến hàng chục loại tem khác nhau. Các loại tem dán đều ghi đây là hàng New Zealand. Tuy nhiên, nhiều loại tem trái cây NK không thể hiện những thông tin cần thiết như nguồn gốc xuất xứ, chủng loại. Song các tiểu thương đều khẳng định 100% là táo New Zealand.
Không chỉ các siêu thị, cửa hàng bày bán sản phẩm NK, mà ngay những xe đẩy hoa quả dọc đường Hà Nội như Nguyễn Xiển, Tố Hữu, Hồ Tùng Mậu, Trần Thái Tông… cũng dán tem NK được cho là Mỹ, Úc… Những sản phẩm hoa quả kém chất lượng, nhưng lại được gắn mác xịn nhằm móc túi NTD.
Khó kiểm soát chất lượng
Để kiểm tra một số loại hoa quả có đúng là hàng NK hay không, chúng tôi đã dùng phần mềm chuyên kiểm tra trái cây icheck và Seach PLU, nhưng đều không ra kết quả. Như vậy, có thể thấy rằng, một số loại tem được dán vào trái cây cũng chỉ là "cái mác" để người mua yên tâm, còn chất lượng ra sao chỉ người bán mới biết chính xác.
Nhiều loại tem dán nhập khẩu nhưng không có mã Code
Để tìm hiểu rõ hơn về chất lượng sản phẩm hoa quả NK, được biết, hầu hết các công ty chuyên NK trái cây chỉ có một đầu ra duy nhất đó là phân phối trong hệ thống siêu thị hoặc mở hệ thống cửa hàng riêng, còn nếu phân phối cho các chợ đầu mối thì không thể cạnh tranh về giá đối với những loại trái cây không rõ nguồn gốc khác. Đặc biệt, hiện nay chưa có quy định nào về quản lý tem nhãn hoa quả tại Việt Nam, vì vậy, nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở này nhằm in một lượng lớn tem NK giả để dán vào trái cây.
Có mặt tại một cửa hàng bán hoa quả trên phố Đào Tấn (Ba Đình, Hà Nội), khi chúng tôi hỏi có phải táo được NK không, một chị bán hàng nhanh nhảu: “Táo nhà em bán, được NK từ New Zealand. Sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn, nhà em bán cho nhiều khách hàng rồi, anh cứ yên tâm”. Trong khi đó, hỏi về công ty NK và phân phối thì chị bán hàng không trả lời được.
Cửa hàng nào cũng khẳng định sản phẩm trái cây của mình là NK 100%. Nhưng theo các chuyên gia, trên thị trường, đang tràn ngập các loại trái cây Trung Quốc, được nhập qua đường tiểu ngạch ở Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh… Nhiều cơ sở kinh doanh đã lợi dụng tem mác để “lên đời” sản phẩm nhằm móc túi NTD.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần vào cuộc và có hành động quyết liệt nhằm ngăn chặn những hành vi buôn bán bất chính. NTD cần hạn chế sử dụng nông sản trái vụ, nông sản được quảng cáo trên mạng là sạch, hữu cơ, nhưng không rõ xuất xứ; nên mua sản phẩm không quá đẹp mã, mua ở địa chỉ uy tín để an toàn cho gia đình.
Ngọc Linh - Bùi Quyền