Theo báo cáo của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam trong năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước.
Thế nhưng, trái ngược với doanh thu khủng, số thuế nộp ngân sách nhà nước từ mảng kinh doanh thương mại điện tử lại không hề cân xứng với tiềm năng phát triển, gây thất thu cho ngân sách nước nhà. Không chỉ vậy còn làm ảnh hưởng sự bình đẳng giữa những người kinh doanh.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế, hoạt động thương mại điện tử là một hoạt động thương mại mới nên công tác quản lý thuế gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, vì tính chất mới nên việc quản lý đầy đủ nguồn thu và cả đối tượng nộp thuế đang là bài toán khó giải. Người nộp thuế có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Việc tính thuế rất khó phân biệt các loại thu nhập. Thương mại điện tử có nhiều loại như: phí dịch vụ, phí bản quyền… cần phân biệt rõ ràng để tính làm cơ sở đánh thuế.
“Khó khăn tiếp theo là quản lý các đối tượng. Vì có thể đối tượng đánh thuế là tổ chức hoặc cá nhân, 1 cá nhân có thể mở nhiều gian hàng trên các trang mạng xã hội cũng có thể bán hàng trên nhiều nền tảng TMĐT khác nhau. Khó khăn nữa là quản lý dòng tiền. Vấn đề này không hề đơn giản vì tại Việt Nam việc giao dịch tiền mặt vẫn phổ biến, có thể nói giao dịch tiền mặt vẫn khá nhiều so với qua ngân hàng…”, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết.
Bà nói thêm, hiện Bộ Tài chính đang dự thảo sửa đổi một số điều của Nghị định 126, trong đó sẽ quy định các sàn thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế thay người bán.
"Chúng tôi đang triển khai cổng thông tin điện tử để tiếp nhận thông tin từ các sàn thương mại điện tử. Với cổng thông tin này, nếu các sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến có thể khai thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoặc cung cấp thông tin về cơ quan thuế để phục vụ cho công tác quản lý thuế", bà Nguyễn Thị Lan Anh cho hay.
Về phía GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cũng chia sẻ, hiện nay để kiểm soát các hành vi giao dịch, buộc lòng phải sử dụng công cụ như AI. Ví dụ có trường hợp trốn thuế, không khai báo, nhưng cơ quan có thể biết được giao dịch đáng ngờ nhờ công cụ này. Được biết, giao dịch này có thể là đối tượng để theo dõi, quản lý.
Theo thông tin mới nhất, Bộ Tài chính đã chính thức triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và triển khai Ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho các cá nhân. Các giải pháp này dường như sẽ giúp quản lý những thu nhập phát sinh phải đóng thuế qua thương mại điện tử, giảm thiểu thất thu ngân sách nhà nước.
Hồng Nhung (t/h)