BSR là đơn vị quản lý, vận hành sản xuất kinh doanh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Sau 9 năm đi vào hoạt động, BSR đã tạo ra doanh thu khoảng 38 tỷ USD, nộp vào ngân sách Nhà nước khoảng 7 tỷ USD, gấp đôi mức đầu tư 3 tỷ USD ban đầu.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, BSR sản xuất được 3,56 triệu tấn sản phẩm, tiêu thụ gần 3,6 triệu tấn thành phẩm, thực hiện 57% kế hoạch năm.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế ước đạt lần lượt 55.359 tỷ đồng và 2.947 tỷ đồng, tương ứng 69,7% và 84,7% kế hoạch đặt ra cho cả năm 2018. Đồng thời Công ty cũng nộp 5.809 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước.
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có công văn số 5068/UBCK-GSĐC gửi Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) về việc chấp thuận trở thành công ty đại chúng từ ngày 15/8/2018.
Theo đó, BSR phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán: Thực hiện công bố thông tin đầy đủ, kịp thời theo quy định của Luật Chứng khoán; Tuân thủ các nguyên tắc quản trị công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Thực hiện đăng ký lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch/niêm yết cổ phiếu theo quy định của pháp luật và các nghĩa vụ khác theo quy định.
Trước đó, ngày 17/1/2018, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), BSR đã tổ chức thành công phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Toàn bộ 241.556.969 cổ phần (tương đương 7,79% vốn điều lệ) đã được đấu giá thành công, thu về 5.414 tỷ đồng, cao hơn 60% so với số tiền bán dự kiến theo giá khởi điểm (khoảng 3 nghìn tỷ đồng).
Ngày 21/6/2018, BSR đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất với một số nội dung quan trọng như: Điều lệ tổ chức và hoạt động; Quy chế quản trị; Thông qua kế hoạch phát triển công ty giai đoạn 2018-2022 và kế hoạch SXKD năm 2018; Thông qua tờ trình số lượng thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ I (2018-2022); Thông qua kế hoạch tiền lương; Thông qua việc lựa chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2018. Từ ngày 01/7/2018, BSR chính thức được chuyển thành Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn.
Ngọc Linh