Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Lời giải nào cho bài toán nạn thẩm mỹ “chui” hoành hành tại TP. Hồ Chí Minh?

Tại TP. Hồ Chí Minh, cơ sở thẩm mỹ “chui” nở rộ như nấm, quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội, thách thức cơ quan chức năng. Nhiều bác sĩ “tay ngang”, cơ sở thẩm mỹ “chui” gây ra những tai biến thậm chí là nghiêm trọng, đe dọa nguy hiểm đến tính mạng của khách hàng. Thế nhưng việc quản lý giám sát các cơ sở này vẫn là bài toán gây đau đầu cho các ngành chức năng.

Liên tiếp phát hiện sai phạm

Thời gian gần đây, Tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh liên tiếp phát hiện, kiểm tra, xử lý các cơ sở cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và quảng cáo không phép.

Điển hình là trường hợp của phòng khám chuyên khoa da liễu An Nhi (thuộc Công ty TNHH viện thẩm mỹ An Nhi) hoạt động trái phép tại số 57 đường 3/2, (phường 11, quận 10, TP. Hồ Chí Minh), từng bị Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh xử phạt và đã thay đổi tên nhằm trốn phạt.

Địa chỉ này đã 3 lần đổi tên và loại hình kinh doanh để né bị xử phạt
Địa chỉ này đã 3 lần đổi tên và loại hình kinh doanh để né bị xử phạt (Ảnh: Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh)

Trước đó, ngày 4/8/2023, Thanh tra Sở Y tế đã xử phạt Công ty TNHH thẩm mỹ JW By Asian Luxury Beauty Clinic do bà L.T.H làm giám đốc. Do cơ sở này có các hành vi vi phạm các quy định pháp luật như cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Ngoài ra, cơ sở này còn bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn 18 tháng.

Tuy nhiên, cơ sở vẫn chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Sở Y tế mà lại thay đổi tên nhằm đối phó, không chấp hành quyết định xử phạt.

Được biết, sau khi cơ sở này bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động 18 tháng thì bà H. đã thành lập Công ty TNHH một thành viên thẩm mỹ An Nhi với mã số doanh nghiệp cũ (đã cấp cho Công ty TNHH thẩm mỹ JW By Asian Luxury Beauty Clinic). Nhưng tra cứu trên cổng thông tin quốc gia, hiện cả hai tên công ty nêu trên đã giải thể, phá sản, chấm dứt tồn tại.

Thanh tra Sở Y tế phát hiện phòng khám chuyên khoa da liễu An Nhi (số 57 đường 3/2, phường 11, quận 10, TP. Hồ Chí Minh) có một chủ sở hữu là bà L.T.H nhưng 3 lần đổi tên và loại hình kinh doanh (2 lần công ty, 1 lần hộ kinh doanh), cả 3 lần đều chưa có giấy phép hoạt động về khám bệnh, chữa bệnh do Sở Y tế cấp.

Tại thời điểm kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế phát hiện cơ sở có khu tiếp nhận khách hàng, 1 phòng có trang bị bàn, giường chăm sóc da, các máy laser, IPL, H2O2, máy chăm sóc da,...

Lúc kiểm tra tầng 1, có khách hàng đang thực hiện dịch vụ trị thâm mông, tầng 4 có 2 khách hàng đến chăm sóc da,… Riêng tại tầng 2, cơ sở trang bị 1 phòng có đèn, giường phẫu thuật và các máy laser (chưa ghi nhận dấu hiệu hoạt động tại thời điểm kiểm tra).

Đoàn kiểm tra còn phát hiện các tài liệu như “Phiếu đăng ký sử dụng dịch vụ”, “Sổ theo dõi khách hàng” và các hóa đơn thu tiền các dịch vụ “trị nám, thâm, múp môi lớn, nấm cô bé”,… được thực hiện trong năm 2024.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: internet)

Một trường hợp khác cũng tương tự là phòng khám có biển hiệu "Nha khoa Tâm Đức" thuộc Công ty TNHH Nha khoa Triệu Nha (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) dù đã tạm đình chỉ hoạt động để phục vụ công tác xử phạt nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động.

Nhiều cơ sở hoạt động chui, núp bóng

Thực tế, không phải tất cả các cơ sở đều có đầy đủ điều kiện kinh doanh. Có nhiều cơ sở hoạt động chui, “núp bóng” hiệu uốn tóc, gội đầu nhưng vẫn lấn “sân” sang phẫu thuật thẩm mỹ như: Phun xăm mắt, lông mày, phun môi, tẩy nốt ruồi, thậm chí là tiêm filler (chất làm đầy), nhấn mí, cắt mí…

Giữa tháng 5 vừa qua, Thanh tra Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh nhận đơn thư phản ánh của ông V.V.L. (74 tuổi) thực hiện dịch vụ nhạy cảm, với tổng số tiền 131 triệu đồng, tại cơ sở Ulsan Korea Beauty Academy & Spa (768G Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10).

Cơ sở này đăng ký hoạt động hộ kinh doanh Ulsan Korea, do UBND Quận 10 cấp. Chủ hộ kinh doanh bà Nguyễn Huỳnh Như. Ngành nghề kinh doanh là dịch vụ làm tóc, chăm sóc da không bao gồm dịch vụ chăm sóc da gây chảy máu, tổn thương da, giải phẫu thẩm mỹ, không dùng kỹ thuật cao. Cơ sở chưa được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh.

Cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ
Cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ "chui" giữa trung tâm quận 10, TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh)

Qua kiểm tra, Thanh tra Sở phát hiện các thẻ liệu trình cung cấp dịch vụ có nội dung phản cảm, dễ biến tướng trái với văn hóa, đạo đức Việt Nam.

Tại tầng 1 có trang bị phòng chăm sóc da, máy K4 Pico Sure Laser; tầng 2 có phòng chăm sóc da, máy OPT Light Doctor; tầng 3 có phòng chăm sóc da, phòng nha khoa.

Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở treo biển “Ulsan Korea Beauty Center” với hình ảnh bác sĩ và các nội dung quảng cáo: kỷ nguyên làm đẹp mới chuẩn Hàn, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa, công nghệ hiện đại, phác đồ riêng biệt, cam kết an toàn hiệu quả, +5000 khách hàng hài lòng…

Bên cạnh đó, cơ sở còn có các tài khoản mạng xã hội facebook “Thẩm mỹ viện Quốc tế Ulsan Korea”, “Viện thẩm mỹ công nghệ cao Ulsan Korea” có đăng tải các nội dung: rút mỡ bắp tay, hủy mỡ công nghệ Sculp Super 4.0...

Cơ sở không xuất trình được những giấy tờ theo quy định, Đoàn kiểm tra đề nghị cơ sở ngưng việc sử dụng các máy laser khi chưa được Sở Y tế thẩm định điều kiện hoạt động khám chữa bệnh. Đồng thời, niêm phong giao cơ sở bảo quản 2 máy (OPT Light Doctor, K4 Pico Sure Laser) tiếp tục xác minh, xử lý; yêu cầu gỡ toàn bộ các biển quảng cáo tại cơ sở và trên trang mạng xã hội facebook.

Tại TP. Hồ Chí Minh, liên tục các ca biến chứng do thực hiện thẩm mỹ như tiêm các chất làm đẹp tại cơ sở không uy tín phải nhập viện điều trị, thậm chí tử vong. Mỗi ngày, Bệnh viện Da Liễu TP. Hồ Chí Minh tiếp nhận từ 3 - 5 trường hợp biến chứng liên quan đến các dịch vụ làm đẹp, thẩm mỹ.

ThS.BS Nguyễn Duy Quân - Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, đa số khách hàng đến với Bệnh viện khi bị biến chứng do tiêm các chất làm đẹp như filler, botox không rõ nguồn gốc, được thực hiện tại những nơi không an toàn và người thực hiện không có chuyên môn, kỹ thuật.

“Có những ca tới sớm, thời gian điều trị ngắn, ít để lại di chứng. Những ca đến trễ, tình trạng da nhiễm khuẩn nặng, đòi hỏi thời gian điều trị lâu và để lại nhiều di chứng sau này”, BS Quân cho hay.

BS.CKI Dương Đức - Khoa Da Liễu, Bệnh viện 7A (TP. Hồ Chí Minh) nhận định: “Các ca tử vong do thẩm mỹ phần lớn do người thực hiện sai kỹ thuật tiêm, không có bằng cấp. Đáng nói, có những người chỉ vừa tham gia 1, 2 lớp đào tạo đã tự cho mình là BS, sau đó đăng quảng cáo tràn lan trên các trang mạng xã hội như Tiktok, Facebook với nhiều chương trình ưu đãi để chèo kéo khách, bất chấp rủi ro".

Ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh đang tìm cách ứng phó

Những vụ việc nêu trên chỉ là số ít trong rất nhiều các trường hợp bị ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh kiểm tra, phát hiện và xử lý sai phạm.

Theo thống kê của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có 7.087 cơ sở cung ứng dịch vụ liên quan đến thẩm mỹ. Trong số này, chỉ có 598 cơ sở là do Bộ Y tế và Sở Y tế thành phố cấp phép hoạt động (chiếm khoảng 15%), 85% cơ sở còn lại là do Ủy ban nhân dân quận, huyện và TP. Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Như vậy, có 6.489 cơ sở hoạt động mà không cần cơ quan chuyên môn y tế thẩm định và cấp phép; trong đó, có 2.175 cơ sở spa và chăm sóc da; 516 cơ sở phun, xăm, thêu trên da; 3.798 cơ sở dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm móng...

Vấn nạn thẩm mỹ chui được Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh nhận định trở thành thách thức trong công tác quản lý khi thời gian qua liên tục xuất hiện các trường hợp tai biến, thậm chí có trường hợp tử vong do thẩm mỹ chui.

Các thách thức được điểm tên như: Thứ nhất là quảng cáo không đúng sự thật. Thứ hai là hoạt động hậu kiểm thẩm mỹ chưa được quan tâm đúng mức. Thứ ba là sự tinh vi của các cơ sở khi có xu hướng chuyển vào nhà trọ, khách sạn để né tránh các cơ quan chức năng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: Thanh Niên)

Để kiểm soát và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thẩm mỹ, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đề nghị các Phòng Y tế quận, huyện, TP. Thủ Đức chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND quận, huyện triển khai các giải pháp quyết liệt hơn trong quản lý hành nghề và dạy nghề trái phép trên địa bàn và phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Sở Y tế và Thanh tra các Sở khác có liên quan để cương quyết xử lý nghiêm mang tính răn đe.

Song song đó, Thanh tra Sở Y tế phải năng động hơn, chủ động hơn nữa trong phối hợp với chính quyền địa phương trong phát hiện và xử lý do thủ đoạn hành nghề “chui” ngày càng tinh vi; nóng vì luôn cần sự tham gia và phản ánh kịp thời của người dân khi phát hiện các hành vi nghi ngờ hành nghề trái phép; nóng vì luôn đòi hỏi Ngành Y tế tăng cường phối hợp với các cơ quan báo đài đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ.

Về phía người dân, ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo nên lựa chọn các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ bằng cách tra cứu vào đường link: https://thongtin.medinet.org.vn/ để biết thông tin của các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đã được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động, tham khảo điểm đánh giá chất lượng của các cơ sở thẩm mỹ; không nên lựa chọn cơ sở làm đẹp chỉ dựa vào tên gọi trên bảng hiệu như "thẩm mỹ viện", "viện thẩm mỹ"...

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở làm đẹp trái phép hoặc có dấu hiệu vi phạm, gọi ngay đường dây nóng qua số 0989.401.155, hoặc tải app "Y tế trực tuyến" để Thanh tra Sở Y tế có thông tin kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định.

Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu TP. Hồ Chí Minh, số ca tai biến thẩm mỹ nội khoa đến khám và điều trị tại đơn vị này tăng qua các năm. Năm 2023: 608 ca, tăng 70 ca so với năm 2022, tăng 391 ca so với năm 2021 và tăng 200 ca so với năm 2020. Tại các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố như Bệnh viện Chợ Rẫy, Nhân Dân 115, Trưng Vương, Da liễu… thực hiện cấp cứu, điều trị nhiều trường hợp tai biến do phẫu thuật thẩm mỹ.

Hoàng Bách

Bài liên quan

Tin mới

Phát hiện đường dây buôn bán mỹ phẩm giả từ Trung Quốc về Việt Nam số lượng lớn
Phát hiện đường dây buôn bán mỹ phẩm giả từ Trung Quốc về Việt Nam số lượng lớn

Theo Tổ công tác đội 6, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hà Nội, ngày 17/6/2024 trong lúc làm nhiệm vụ tại khu vực ga Giáp Bát thuộc địa bàn phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, phát hiện Trần Văn Hưng và Trần Kế Thanh (cùng sinh năm 1991, trú tại tỉnh Hưng Yên) đang dừng đỗ xe ô tô biển kiểm soát 29D-226.37 có biểu hiệu nghi vấn.

Techcombank Future Gen 2025 mùa thứ 4 đã chính thức khởi động
Techcombank Future Gen 2025 mùa thứ 4 đã chính thức khởi động

Chương trình Quản trị viên Tập sự - Techcombank Future Gen 2025 (TFG 2025) mùa thứ 4 đã chính thức khởi động tuyển sinh từ tháng 6/2024 với nhiều đổi mới. Đây là chương trình thường niên của Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương (Techcombank), nằm trong chuỗi các hoạt động phát triển đặc biệt nhằm thu hút, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ, bổ sung vào lớp nhân sự lãnh đạo kế cận cho ngân hàng.

LPBank tạm dừng thực hiện các thủ tục triển khai phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu
LPBank tạm dừng thực hiện các thủ tục triển khai phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu

Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank – mã chứng khoán: LPB) vừa thông qua việc tạm dừng thực hiện các thủ tục triển khai phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ năm 2024.

Cẩn thận bẫy lừa đảo cộng tác viên online: Mất tiền oan vì “lợi nhuận khủng”
Cẩn thận bẫy lừa đảo cộng tác viên online: Mất tiền oan vì “lợi nhuận khủng”

Công an huyện Đông Anh, TP. Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn làm cộng tác viên online thanh toán đơn hàng để nhận hoa hồng.

Giá đôla Mỹ trên thị trường chợ đen đang neo ở mức cao chưa từng có gần 26.000 đồng/USD
Giá đôla Mỹ trên thị trường chợ đen đang neo ở mức cao chưa từng có gần 26.000 đồng/USD

Ngày 26/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỉ giá trung tâm ở mức 24.258 VND/USD, tăng 5 đồng so với hôm qua. Với biên độ +/-5%, các ngân hàng thương mại chỉ được phép mua – bán đồng USD trong khoảng từ 23.045 - 25.470 VND/USD.

Báo động tình trạng ngộ độc thực phẩm tập thể và trách nhiệm người đứng đầu địa phương
Báo động tình trạng ngộ độc thực phẩm tập thể và trách nhiệm người đứng đầu địa phương

Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 36 vụ ngộ độc thực phẩm. Số vụ ngộ độc giảm so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên, đáng lo là nhiều vụ có tính chất ngộ độc tập thể, khiến số người phải nhập viện tăng hơn 1.432 trường hợp so với cùng kỳ 2023.