Trong năm 2024, tỉnh Long An dành hơn 2.800 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn. Trong đó, các dự án chiến lược, kết nối giữa hai vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long được ưu tiên xây dựng. Đồng thời, phát triển hạ tầng nội vùng gắn với hai hành lang kinh tế gồm hành lang đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP. HCM và hành lang phát triển phía Nam là đường tỉnh 827E.
Giai đoạn 2025-2026, nhiều hạ tầng kết nối sẽ lần lượt đi vào vận hành, mở ra triển vọng phát triển cho Long An nói riêng và khu vực phía Tây nói chung.
Cụ thể, dự án đường Vành đai 3 kết nối Long An với TP. HCM, Đồng Nai và Bình Dương đang dẫn đầu về tiến độ triển khai. Riêng đoạn đi qua tỉnh Long An dài khoảng 7km khởi công từ tháng 6/2023 thi công vượt tiến độ. Theo kế hoạch, đến tháng 10/2025, đoạn Vành đai 3 qua Long An sẽ được thông xe kỹ thuật và hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2026.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành với điểm đầu tại Bến Lức (Long An), đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu tiến độ đạt 95%. Riêng một số đoạn từ nút giao cao tốc TP. HCM - Trung Lương đến nút giao quốc lộ 1 (Bình Chánh, TP. HCM), đoạn tuyến liền mạch phía tây đường cao tốc Bến Lức - Long Thành… sẽ lần lượt thông xe trước thềm Tết Nguyên đán 2025.
Đồng thời, các trục động lực quan trọng của tỉnh như 823D, đường tỉnh 830E, Quốc lộ 50B, quốc lộ N1… cũng đang được thi công cao độ để “về đích” thời gian tới.
Bên cạnh ý nghĩa kết nối giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các dự án này mà còn mở khơi dậy tiềm năng địa phương, thúc đẩy phát triển logicstic, khu công nghiệp và các khu đô thị mới.
Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Long An là địa phương đứng thứ 3 cả nước về phát triển các khu công nghiệp và luôn nằm trong top đầu thu hút FDI. Với hạ tầng không ngừng hoàn thiện, Long An đang là tâm điểm hút dòng vốn đầu tư của những “ông lớn”.
Bên cạnh đó, Long An đang chuyển mình thành đối trọng của Bình Dương, Đồng Nai, thúc đẩy xu hướng giãn dân về đô thị vệ tinh. Sự xuất hiện của các dự án đại đô thị quy hoạch bài bản và đa dạng loại sản phẩm không chỉ giải bài toán an cư, mà còn góp phần đưa thị trường Long An phát triển chuyên nghiệp và chất lượng.
Ngay từ đầu năm nay, thị trường bất động sản Long An đã ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc, liên tục chào đón các doanh nghiệp địa ốc lớn. Điều này được kỳ vọng sẽ tiếp tục diễn ra trong các tháng cuối năm 2024 trở đi do Long An đang có nhiều lợi thế cùng lúc.
Ngoài ra, tiến độ hoàn thiện các công trình giao thông trọng điểm, mới đây, bảng giá đất mới vừa được UBND TP. HCM ban hành sẽ được áp dụng từ ngày 31/10/2024, trong đó, giá đất ở tăng khoảng 03-38 lần so với giá đất ở được quy định tại Quyết định 02/2020. Điều này thúc đẩy tâm lý người mua dịch chuyển về các khu vực vệ tinh có tiềm năng phát triển.
Trong 9 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Long An đạt 6,82%, đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Cửu Long, tăng đáng kể so với 6 tháng đầu năm 2024. Trong đó, khu vực 1 tăng 3,15%; khu vực 2 tăng 8,87% và khu vực 3 tăng 5,53%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,21%. Đây là tốc độ tăng trưởng 9 tháng đầu năm cao nhất từ năm 2022 đến nay, điều này cho thấy tình hình kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ từ sau đại dịch Covid-19. Riêng tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III/2024 tăng 9,23%.
Về sản xuất nông nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực. Sản lượng lúa thu hoạch 9 tháng đầu năm đạt 2,962 triệu tấn, đạt 103,9% kế hoạch, tăng 2% (tăng 57.174 tấn); trong đó sản lượng lúa chất lượng cao ước đạt 2,133 triệu tấn, đạt 72% tổng sản lượng. Các cây trồng chủ lực sinh trưởng, phát triển tốt; sản lượng tăng so với cùng kỳ như lúa, chanh, thanh long,...sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng 18,5%. Trong 9 tháng đầu năm công nhận thêm 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 xã nông thôn mới nâng cao; huyện Cần Giuộc đang trình Trung ương xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Tình hình sản xuất công nghiệp xây dựng trong quý III phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng ước đạt 13,5%; trong đó, ngành công nghiệp tăng 14,07%. Tính chung trong 9 tháng đầu năm, ngành công nghiệp xây dựng tăng 8,87% (cùng kỳ tăng 6,42%). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm đạt 9,57 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu tăng 12,6%; nhập khẩu tăng 16,7%.
Trong 9 tháng đầu năm, tỉnh đã khởi công nhiều dự án công nghiệp, thương mại có vốn đầu tư lớn; một số chỉ tiêu thu hút đầu tư đạt kết quả tốt. Thành lập mới 1.899 doanh nghiệp (tăng 41,5%), với tổng vốn 16.271 tỷ đồng (tăng 22,2%). Cấp mới 34 dự án trong nước (giảm 25 dự án) với tổng vốn 96.936 tỷ đồng (tăng 54.441 tỷ đồng). Cấp mới 78 dự án FDI (giảm 4 dự án) với tổng vốn đăng ký mới 474,9 triệu USD (giảm 68,7 triệu USD).
Đặc biệt, Chỉ số PCI năm 2023, Long An đã có sự bứt phá ngoạn mục khi tăng 08 bậc, vươn lên vị trí thứ 02/63 tỉnh, thành trong cả nước. Riêng về Chỉ số Xanh cấp tỉnh PGI 2023, Long An tăng đến 16 bậc và đứng ở vị trí thứ 12; đây là kết quả của sự nỗ lực lớn của lãnh đạo tỉnh trong việc cân bằng giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và kinh tế xanh.
Thuận Yến(t/h)