Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ internet.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị tiếp tục tập trung tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại đơn vị, địa phương và tại cửa khẩu, nhất là trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành bệnh sốt rét.

Tăng cường, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh sốt rét và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cụ thể như:

Thường xuyên ngủ màn, ngay cả ban ngày và màn cần được tẩm hóa chất diệt muỗi vì đây là biện pháp tốt nhất để phòng, chống bệnh sốt rét;

Vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo phải được xếp gọn gàng, không nên treo hay móc quần áo trên tường làm chỗ cho muỗi trú ẩn…;

Khi phát hiện các triệu chứng của bệnh sốt rét như đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, rối loạn tiêu hóa, rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh… người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo báo cáo của hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm (Bộ Y tế cung cấp), từ đầu năm đến hết tháng 09/2023 cả nước đã ghi nhận 354 trường hợp mắc bệnh sốt rét tại 29 tỉnh, thành phố, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022; đặc biệt đã ghi nhận số mắc tăng cao tại huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu), huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) và đang có nguy cơ lan rộng sang các tỉnh, thành phố khác trong khu vực. Bên cạnh đó, tại một số tỉnh, thành phố đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét cũng đã ghi nhận các trường hợp bệnh sốt rét ngoại lai.

Tại tỉnh Long An, trong 9 tháng đầu năm 2023 chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh sốt rét. Tuy nhiên, yếu tố nguy cơ tiềm ẩn mắc bệnh sốt rét rất cao, do di biến động dân cư, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các tỉnh, thành phố… có thể mang theo mầm bệnh khi trở về địa phương.

Yến Linh (t/h)