Theo đó, Sở Công Thương tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp, hệ thống cửa hàng bách hóa, hệ thống cửa hàng tiện lợi và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại xây dựng phương án tạm trữ hàng hóa thiết yếu, mặt hàng đa dạng về mẫu mã, số lượng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Trong đó, hàng hóa mà các doanh nghiệp tham gia tạm trữ như: Gạo, đường, bột ngọt, dầu ăn, mì gói, rượu bia, nước giải khát, hàng thực phẩm tươi sống rau, củ, quả các loại, trái cây, thịt, cá, trứng, sữa, lạp xưởng, giò chả, bánh mứt,... tổng giá trị hàng hóa đạt khoảng 1.259 tỷ đồng (tăng 36 tỷ đồng so với lượng hàng hóa tạm trữ phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn).
Đồng thời, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.200 đại lý bách hóa tổng hợp góp phần tăng nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân những tháng cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại tăng cường tổ chức mở rộng mạng lưới bán lẻ, phân phối đến các khu vực nông thôn, khu - cụm công nghiệp, với hình thức bán hàng trực tuyến để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân ở vùng sâu, vùng xa và nhu cầu mua sắm của công nhân góp phần tăng khả năng tiếp cận hàng hóa cho người có thu nhập trung bình và thấp.
Đối với lương thực, Công ty Lương thực Long An luôn duy trì lượng hàng hóa tồn kho gạo thường, gạo thơm khoảng 29.231 tấn có giá trị khoảng 409 tỷ đồng (tăng khoảng 88,4% giá trị so với Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024), trong đó luôn dự trữ từ khoảng 100 - 150 tấn gạo các loại tại cửa hàng bán lẻ của công ty để phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Trong tình huống thị trường có biến động Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo 21 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo còn lại theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ, để cung cấp gạo tham gia thị trường bán lẻ (các doanh nghiệp tồn kho khoảng 239.800 tấn gạo và 33.000 tấn nếp).
Ngoài ra, Sở Công Thương Long An đã tham gia ký kết biên bản thỏa thuận kết nối cung cầu hàng hóa ổn định thị trường giữa Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; thông qua chương trình hợp tác thương mại này, khi có tình hình biến động về giá cả thị trường hàng hóa ở địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh tăng bất thường thì các Sở Công Thương huy động doanh nghiệp cung ứng hàng hóa về hỗ trợ ổn định thị trường.
Nhìn chung, tình hình hàng hóa phục vụ Tết tại các chợ, siêu thị trên địa bàn các huyện, thị xã Kiến Tường, thành phố Tân An tương đối dồi dào, phong phú về mẫu mã, đa dạng về chủng loại, các tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống đã chủ động nhập hàng hóa tạm trữ (nhất là mặt hàng bánh, kẹo, mứt các loại, …) phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Thuận Yến(t/h)