Đ/c Cao Văn Hồng - P.CT kiểm tra tại 1 cửa hàng BHX trên địa bàn phường 2, TP.Tân An
Ông Cao Văn Hồng, Phó cục trưởng Cục QLTT kiểm tra tại 1 cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn phường 2, TP Tân An. Ảnh: Duy Tuấn

Theo kiểm tra, giám sát, số lượng khách mua hàng hóa tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh không nhiều, nguồn hàng hóa thiết yếu từ rau, củ, quả, thịt, cá, trứng, hàng đã qua chế biến tương đối dồi dào. Tất cả các loại hàng hóa kinh doanh được đơn vị niêm yết giá rõ ràng, đầy đủ.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Đoàn, mặc dù hàng hóa dồi dào, nhưng giá nhiều loại hàng hóa vẫn còn cao so với trước thời điểm tỉnh Long An chưa áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ông Cao Văn Hồng, Phó cục trưởng Cục QLTT nhắc nhở các điểm bán hàng phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19; thực hiện niêm yết giá đầy đủ các loại hàng hóa, không được bán cao hơn giá niêm yết cũng như không được lợi dụng thời điểm các chợ truyền thống tạm dừng hoạt động để nâng giá hàng hóa.

Bên cạnh đó, ngoài kiểm tra, giám sát tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh, Đoàn còn đến thăm điểm cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân tỉnh Long An tại nhà khách Tổng Liên đoàn thuộc địa bàn phường 3, TP Tân An, đây là điểm bán hàng bình ổn trên địa bàn TP Tân An vừa mới đi vào hoạt động trong sáng ngày 23/7.

Hàng hóa tại điểm bán hành bình ổn giá
Hàng hóa tại điểm bán hàng bình ổn giá. Ảnh: Duy Tuấn

Theo đại diện đơn vị, các loại hàng hóa thiết yếu tại đây được bán với giá bình ổn nên giá thấp hơn rất nhiều so với các cửa hàng tiện lợi, siêu thị trên địa bàn.

Như vậy, từ ngày 20/7 đến nay, sau thời điểm tỉnh Long An áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng QLTT tỉnh Long An đã thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh hàng hóa thiết yếu tại 66 điểm bán hàng của chuỗi các cửa hàng như Bách Hóa Xanh, VinMart, Coop, siêu thị Coop Mart. Đây là hoạt động cần thiết của lực lượng QLTT trong thời gian các chợ truyền thống tạm dừng hoạt động.

Đồng thời, lực lượng chức năng giám sát nguồn cung cầu hàng hóa, một phần kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, nhất là các trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá hoặc lợi dụng trong thời gian giãn cách xã hội, các chợ truyền thống tạm dừng hoạt động để chiếm thế độc quyền để nâng giá, bán cao hơn giá niêm yết.

Trong thời gian tới, Cục QLTT Long An tiếp tục triển khai nhiều hơn nữa biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh hàng hóa tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị trên địa bàn tỉnh, nhằm kịp thời đánh giá, dự báo nguồn cung, cầu, giá cả hàng hóa để tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp bình ổn hàng hóa khi thị trường có biến động.  

Thuận Yến – Thùy Linh