Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao tại các Công văn số 1859/UBND-KTTC ngày 04/03/2022 về việc công tác điều hành giá năm 2022; Công văn số 3177/UBND-KTTC ngày 08/04/2022 về việc công tác điều hành giá những tháng còn lại trong năm 2022, Công văn số 4250/UBND-KTTC ngày 12/05/2022 và Công văn số 5832/UBND-KTTC ngày 29/6/2022 về việc điều hành một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu của UBND tỉnh.

Thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Đồng thời, đối với các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistic: Sở Giao thông vận tải phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.

Tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.

Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: Các sở quản lý chuyên ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để đề xuất UBND tỉnh có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.

Chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường và xử lý các sai phạm theo quy định.

Trong đó, đối với mặt hàng thịt lợn, thức ăn chăn nuôi: Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng.

Làm rõ các bất cập, hạn chế (nếu có) để đề xuất các giải pháp khắc phục đảm bảo giảm thiểu khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán; tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ tinh gọn, hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán.

Đối với vật liệu xây dựng: giao Sở Xây dựng đẩy mạnh công tác theo dõi, cập nhật biến động giá để kịp thời công bố giá vật liệu xây dựng; nghiên cứu rút ngắn chu kỳ công bố theo quy định.

Đối với các dịch vụ lưu trú, du lịch: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, niêm yết giá theo đúng quy định. Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng các dịp cao điểm, diễn biến giá xăng dầu để tăng giá bất hợp lý.

Đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục nhà nước định giá: Trên cơ sở phương án giá do đơn vị sản xuất, kinh doanh lập, các sở quản lý chuyên ngành và cơ quan chuyên môn tổ chức rà soát trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định tại Quyết định 45/2020/QĐ-UBND ngày 30/10/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định phân công thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan và phân cấp quyết định giá; trình tự, quy trình thẩm định phương án giá đối với hành hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của UBND tỉnh Long An.

Giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch, trung thực thông tin về giá; xử lý nghiêm, quyết liệt theo pháp luật các trường hợp tung tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường để kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, áp lực lạm phát vẫn phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên, nhiên, vật liệu, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu hiện diễn biến khó lường, giá lương thực, thực phẩm, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải... đặt ra những thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá từ nay đến cuối năm.

Ngoài ra, giao các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, triển khai quyết liệt các chỉ đạo về công tác điều hành giá của UBND tỉnh từ đầu năm và theo dõi sát, nắm chắc tình hình để chủ động xử lý theo thẩm quyền phù hợp, kịp thời, khoa học, hiệu quả, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, đảm bảo đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

PV