THCL Quận ủy Long Biên vừa ban hành Chỉ thị số 05-CT/QU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới.

Long Biên tăng cường sự lãnh đạo về đảm bảo ATTP - Hình 1

Ảnh minh họa

Theo đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ quận tới cơ sở tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10-CT/TU của Thành ủy và các văn bản chỉ đạo của Quận ủy. Trước hết là từng bước nâng cao nhận thức của chủ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quận về ý nghĩa, tầm quan trọng của ATTP đối với đời sống xã hội, sức khỏe con người, sự phát triển giống nòi và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm trên địa bàn phải có trách nhiệm và uy tín đảm bảo ATTP để phục vụ tốt đời sống của nhân dân. Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về ATTP, nhất là Luật ATTP bằng hình thức phù hợp, dễ nhớ, dễ thực hiện đồng thời thực hiện hiệu quả phong trào thi đua đảm bảo ATTP giai đoạn 2016-2020. Tập trung cao điểm Tháng hành động vì ATTP, mùa hè, mùa cưới, các ngày lễ tết, các sự kiện lớn về chính trị, văn hóa, xã hội của quận, Thủ đô và đất nước. Vận động các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng thực phẩm tự giác, gương mẫu thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, từng bước thay đổi hành vi, thói quen và cách sống mất vệ sinh, góp phần bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

UBND quận và chính quyền cơ sở chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn; xác định việc đảm bảo ATTP là một tiêu chí xây dựng tổ dân phố văn hóa, xây dựng làng nghề truyền thống. Chú trọng đầu tư nguồn lực để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ATTP, nhất là lực lượng thanh tra, kiểm tra về ATTP, Ban chỉ đạo ATTP quận và các phường cũng như lực lượng điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm.

Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư ngân sách cho công tác đảm bảo ATTP; bố trí biên chế hợp lý đội ngũ chuyên trách ATTP tuyến quận, phường; xây dựng, củng cố đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền ATTP thuộc các tổ dân phố, các tổ chức xã hội…Nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị, phương tiện chuyên môn phục vụ cho đội ngũ làm công tác quản lý ATTP.

Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về ATTP, nhất là việc lạm dụng hóa chất độc hại hoặc sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và trồng trọt; lưu thông, chế biến, tiêu thụ thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Quản lý chặt chẽ ATTP tại các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố. Tăng cường quản lý việc kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm, các sản phẩm từ gia súc, gia cầm từ các nơi lưu thông qua địa bàn quận; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để xảy ra sai phạm.

Ngoài ra, khuyến khích xã hội hóa công tác đảm bảo ATTP. Khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm an toàn. Tiếp tục quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất rau, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; nhân rộng các mô hình điểm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm an toàn, mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi từ sản xuất đến kinh doanh.

(Theo Sở y tế Hà Nội)