Theo mô hình phân loại rác tại nguồn, rác thải được phân loại thành 3 nhóm chính, mỗi loại được bỏ vào các thùng rác riêng biệt để thu gom và xử lý hiệu quả. Ba loại rác thải bao gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế như giấy, nhựa, kim loại và thủy tinh; Chất thải thực phẩm bao gồm thức ăn thừa và thực phẩm hết hạn sử dụng; Chất thải khác được phân thành chất thải nguy hại và chất thải khác còn lại.
Mô hình phân loại rác tại nguồn được triển khai tại Sở TN-MT tỉnh BR-VT, nếu thành công sẽ được xem là mô hình tiêu chuẩn, làm cơ sở đề xuất áp dụng triển khai nhân rộng trong khu Trung tâm hành chính tỉnh BR-VT và trụ sở của các đơn vị trực thuộc Sở.
Chương trình phối hợp nhằm góp phần đẩy mạnh công tác quản lý rác thải, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Đây cũng là minh chứng thể hiện cam kết mạnh mẽ của LSP thúc đẩy các giá trị bền vững, tập trung vào nguyên tắc ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị), thông qua xây dựng văn hóa quản lý rác thải có trách nhiệm.
Liên quan đến các nỗ lực nhằm thực hiện và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, trong năm 2023, công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) đã thành công trong việc thí điểm và bàn giao Mô hình phân loại rác tại nguồn (Mô hình trường học) cho trường Tiểu học Long Sơn 1 và Long Sơn 2, và Mô hình phân loại rác tại nguồn (Mô hình dân cư) cho thôn 1, xã Long Sơn. Các hoạt động này thuộc cam kết của Công ty TNHH Đại chúng Hóa dầu SCG ( SCGC) và công ty TNHH Hóa Dầu Long Sơn trong khuôn khổ Hợp tác Công Tư (PPC) mà SCGC và LSP đã cùng với Bộ Tài nguyên, Dow Việt Nam và Unilever Việt Nam ký kết nhằm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam. Trong năm 2024, LSP cũng đang mở rộng hỗ trợ triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn tại ba trường học khác trên địa bàn xã Long Sơn.
Thanh Huyền